“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả
  • Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả

Văn hoá 28/03/2024 14:35

(Tổ Quốc) - "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa" hướng tới những giá trị nghệ thuật phục vụ cộng đồng, chương trình là một phần định hướng của Viện Phim Việt Nam nhằm mở rộng, đa dạng hóa hoạt động phổ biến phim lưu trữ, được tổ chức định kỳ vào lúc 18h00 ngày thứ Sáu của tuần lễ thứ hai hoặc thứ ba mỗi tháng, kéo dài đến hết tháng 12/2024.

Buổi chiếu đầu tiên trong Chương trình "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa" giới thiệu tới khán giả bộ phim "Thung lũng hoang vắng", diễn ra vào chiều tối 22/3 vừa qua tại không gian Cinéphile - 102C Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự buổi chiếu, khán giả được giao lưu cùng đoàn làm phim "Thung lũng hoang vắng". Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi Chương trình "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa", khởi phát từ ý tưởng của nhà phê bình điện ảnh, nhà báo Lê Hồng Lâm, được thực hiện với sự tham gia hỗ trợ cung cấp phim từ kho lưu trữ của Viện Phim Việt Nam.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 1.

Áp-phích giới thiệu chương trình

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 2.

Trong không gian với sức chứa khoảng hơn 200 chỗ ngồi đã được lấp đầy trong sự háo hức, chờ đợi của khán giả. Những cảnh quay "đẹp đến ngỡ ngàng" (lời khán giả) cùng câu chuyện bình dị, hồn hậu nhưng giàu chất thơ về hành trình đem con chữ đến với trẻ em vùng cao của những giáo viên trẻ miền xuôi, qua tài năng của Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cùng ê kíp làm phim, đã khiến cho "Thung lũng hoang vắng", dù ra đời cách đây đã 23 năm vẫn đủ sức lay động trái tim khán giả thế hệ "Gen-Z" tại chương trình.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 3.

Ngay sau buổi chiếu, mọi cung bậc cảm xúc dồn nén đã được khán giả cùng các nghệ sĩ trải lòng trong câu chuyện giao lưu đầy thú vị.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 4.

Chị My Lan (Quận 4, TP.HCM) hồ hởi: "Em là con gái miền Bắc, vào Nam sinh sống đã nhiều năm nay. Nhà em ở ngay sát vùng đồng bào tương tự như bối cảnh trong phim. Em rất rất cảm ơn cô Nhuệ Giang vì bộ phim của cô đã để lại, khơi gợi quá nhiều kỷ niệm, ký ức quá đẹp đẽ cho một số người giống như em!"

Bạn A Vừng (sinh viên) bộc bạch: "Con là một cậu bé người dân tộc xuống Sài Gòn học tập. Cuộc sống của con lúc còn ở quê cũng giống như các nhân vật học sinh trong phim. Con chỉ biết nói một điều là con cảm nhận bộ phim quá thật, từ chi tiết nhỏ nhất như cây búa, chiếc đinh, con gà, cái bảng tên trường nghệch ngoạc… Con cảm ơn đoàn phim đã cho con được sống lại những cảm xúc thật của tuổi thơ!".

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 5.

Chia sẻ giao lưu cùng khán giả, diễn viên Hồng Ánh, người thể hiện vai nữ chính trong phim - cô giáo Giao, cho biết: "Hồng Ánh không nghĩ là thoắt cái đã 23, 24 năm trôi qua. Rất nhiều kỷ niệm khó quên khi tham gia "Thung lũng hoang vắng". Cả đoàn phim như một gia đình, mọi người thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Cảm ơn đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã cho Hồng Ánh một vai diễn hay để được khán giả yêu thương đến hôm nay".

Cũng nói thêm, đây chính là vai diễn đã giúp Hồng Ánh lần đầu tiên được vinh danh giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIII - năm 2001, tạo đà thành công rực rỡ cho sự nghiệp diễn xuất của cô sau này.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 6.

Vai diễn cô giáo Minh trong phim "Thung lũng hoang vắng" của diễn viên Tuyết Hạnh cũng là một trường hợp khá thú vị, bởi thời điểm ấy, cô đang là diễn viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Tại buổi giao lưu, Tuyết Hạnh cho biết, cô hoàn toàn là người "ngoại đạo", nên phải nhờ sự hỗ trợ rất nhiều từ đạo diễn và các nghệ sĩ trong đoàn phim. Dù được đánh giá khá tốt về năng lực diễn xuất, nhưng rất tiếc là sau vai diễn cô giáo Minh, Tuyết Hạnh không tham gia thêm một dự án phim điện ảnh nào.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 7.

Vội vã đáp chuyến bay từ Hà Nội vào để kịp gặp gỡ khán giả TP.HCM, NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã không ngăn được sự xúc động khi nhìn thấy hơn 2/3 khán phòng là những người trẻ, thậm chí tuổi đời còn nhỏ hơn cả bộ phim "Thung lũng hoang vắng".

Hành trình thực hiện tác phẩm, những câu chuyện hậu trường gian khó trong nhiều tháng trời khi quay bộ phim này ở vùng núi Tả Giàng Phìn (Sa Pa, Lào Cai) và cả những nỗi niềm nghệ sĩ trong quá trình kiểm duyệt nội dung để cấp giấy phép phổ biến cho phim được NSND Phạm Nhuệ Giang kể lại rành mạch, chi tiết, khiến khá giả há hốc ngạc nhiên, thích thú.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 8.

Cũng có những giây phút không khí khán phòng chợt chùng xuống khi các nghệ sĩ trong đoàn làm phim nhắc nhớ về những người đã khuất, như nhạc sĩ Lương Minh, NSƯT Nguyễn Hậu. Nhân vật thầy giáo Tành trong phim "Thung lũng hoang vắng" là vai diễn nam chính đầu tiên (cũng là duy nhất) trong sự nghiệp, nhưng thực sự là vai diễn để đời, in đậm vào ký ức khán giả và cả những người trong nghề mỗi khi nhắc đến NSƯT Nguyễn Hậu.

“Phim Việt Nam - Một thời chưa xa” - Nhịp cầu nối đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến với khán giả - Ảnh 9.

Giữ vai trò giám tuyển cho chuỗi chương trình giới thiệu "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa", nhà phê bình điện ảnh, nhà báo Lê Hồng Lâm bày tỏ tâm huyết: "Điện ảnh Việt, thực ra có khá nhiều viên ngọc ẩn, mà vì nhiều lý do, chưa được lộ sáng, hoặc không nhận được sự quan tâm xứng đáng với những giá trị mà chúng mang đến. Và khá nhiều trong số đó, xuất hiện trong những năm của thập niên 1990 kéo dài sang những năm đầu thập niên 2000.

Giai đoạn đó, sau sự sụp đổ của dòng phim mì ăn liền và sự lên ngôi của phim video, phim truyền hình; điện ảnh bị khán giả ghẻ lạnh và quay lưng. Đó là lý do khiến một số tác phẩm từ hay đến xuất sắc của giai đoạn này chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp của giới chuyên môn hay một số khán giả yêu điện ảnh Việt.

Đó cũng là lý do mà chúng tôi tuyển chọn những bộ phim trong giai đoạn này để trình chiếu - nhằm giúp chúng ta cùng sống lại một thời chưa xa (nhưng tưởng như rất xa ấy), đồng thời gặp gỡ và đối thoại với những nghệ sĩ sáng tạo trụ cột của các bộ phim này để giao lưu với khán giả, những cinephiles muốn được thưởng thức và tìm hiểu sâu hơn về giá trị nghệ thuật của các bộ phim cùng những câu chuyện hậu trường "trầy vi tróc vảy" nhưng đầy đam mê và trở thành những ký ức tươi đẹp không bao giờ quên trong cuộc đời họ".

Chương trình "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa" được diễn ra định kỳ vào lúc 18h00 ngày thứ Sáu của tuần lễ thứ hai hoặc thứ ba mỗi tháng, kéo dài đến hết tháng 12/2024.

Trong thời gian tới, nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đặc sắc sẽ được giới thiệu qua các buổi chiếu và giao lưu với đoàn làm phim như: "Chung cư" (đạo diễn Việt Linh); "Mùa ổi", "Đừng đốt" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Đời cát" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), "Mùa len trâu" (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), "Những người viết huyền thoại" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), "Sống trong sợ hãi" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), "Dòng máu anh hung" (đạo diễn Charlie Nguyễn), "Ai xuôi vạn lý" (đạo diễn Lê Hoàng), "Những người thợ xẻ" (đạo diễn Vương Đức); "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chuyện tử tế" (phim tài liệu, đạo diễn Trần Văn Thủy)…

"Phim Việt Nam - Một thời chưa xa" là chương trình phi lợi nhuận, hướng tới những giá trị nghệ thuật phục vụ cộng đồng, cũng nằm trong định hướng chung của Viện Phim Việt Nam về việc mở rộng, đa dạng hóa hoạt động phổ biến phim lưu trữ. Từ thành công của buổi chiếu giới thiệu và giao lưu với đoàn làm phim "Thung lũng hoang vắng", sự kiện đầu tiên trong chuỗi chương trình, hy vọng "Phim Việt Nam - Một thời chưa xa" sẽ góp thêm một nhịp cầu nối hiệu quả để đưa tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến đông đảo khán giả hơn trong tương lai./.

Khôi Nguyên

Ảnh: Minh Kha

NỔI BẬT TRANG CHỦ