Đại dịch Covid-19 khiến thói hay quên trở nên trầm trọng hơn?

  • Claudia Hammond
  • BBC Future
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hồi tháng 11/2020, tôi viết bài phân tích về việc chúng ta trở nên hay quên trong đại dịch Covid-19.

Tôi bắt đầu với các tin tức hành lang từ những người nói với tôi rằng trí nhớ của họ dường như trở nên kém đi một cách thường xuyên hơn trong giai đoạn phong tỏa.

Để viết bài báo đó, tôi đã nói chuyện với nhà nghiên cứu trí nhớ Catherine Loveday, giáo sư khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Westminster.

Chúng tôi đã thảo luận về các nhân tố có thể có tác động, nhưng ở giai đoạn đó, không có bất kỳ dữ liệu nào để lượng hóa mức độ phổ biến của cảm giác suy giảm trí nhớ này.

Giờ đây, nhờ Loveday, chúng tôi đã có dữ liệu.

Các dữ liệu này đang trong giai đoạn chuẩn bị để được công bố về mặt học thuật, nhưng trong chương trình tâm lý học mà tôi trình bày trên kênh BBC Radio 4, bà đã cho tôi xem trước một chút kết quả.

Bảng câu hỏi trí nhớ

Trong nghiên cứu của mình, Loveday đã sử dụng Bảng câu hỏi trí nhớ hàng ngày, yêu cầu người trả lời xếp hạng một cách chủ quan về cách các khía cạnh khác nhau về việc trí nhớ họ đã hoạt động thế nào trong thời gian gần đây (điều chúng ta giỏi hơn bạn nghĩ).

Trong bảng có những câu hỏi như thế này:

Bạn có quên nói với mọi người điều gì đó quan trọng không?

Bạn đã bắt đầu đọc thứ gì đó để rồi nhận ra mình đã từng đọc nó rồi không?

Đối với nghiên cứu về trí nhớ trong kỷ nguyên Covid, những người tham gia được hỏi rằng đối với mỗi câu hỏi mà họ tin rằng trí nhớ của họ đã được cải thiện, liệu nó vẫn như thế hay là đã kém đi trong đại dịch.

Trong khi một vài người may mắn cảm thấy trí nhớ của họ đã được cải thiện, thì 80% những người tham gia cho biết ít nhất một khía cạnh của bộ nhớ của họ đã tệ hơn, tỷ lệ cao hơn đáng kể mà chúng ta thường nghĩ.

Chúng ta phải nhớ rằng có người trong số những người tham gia nghiên cứu này đã đáp ứng lời kêu gọi trên mạng xã hội, theo đó đề nghị mọi người điền bảng câu hỏi về việc trí nhớ suy giảm trong đại dịch. Nói cách khác, họ là những người chủ động tham gia, và rất có thể họ tham gia vì lý do này.

Nhưng không phải ai tham gia cũng được tuyển theo cách đó, và kết quả thu được cho các trường hợp thì giống nhau, cho dù họ đến với nghiên cứu theo cách nào đi nữa.

Thay đổi phổ biến nhất là việc quên mất thời điểm xảy ra một sự kiện hoặc sự cố nào đó, với 55% số người tham gia cho rằng họ gặp phải.

Điều này cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thời gian, mà điều này thì cũng không gây ngạc nhiên gì.

Khi tôi nghiên cứu để viết về phần nhận thức thời gian trong cuốn sách có tựa đề 'Time Warped' của mình, thì vấn đề rất rõ ràng, đó là có một số ký ức luôn đi kèm với cái được gọi là mốc thời gian.

Khi một ký ức có tính đặc trưng, sống động, có ý nghĩa cá nhân và trở thành câu chuyện mà chúng ta đã kể đi kể lại nhiều lần thì chúng ta có thể chỉ ra chính xác ký ức đó nằm ở đâu trong dòng đời của mình.

Quên nhiều thứ

Nhưng hầu hết các sự kiện trong đời chúng ta không giống thế, và vì vậy chúng ta rất vất vả để xác định chính xác thời gian cho chúng.

Vấn đề này đặc biệt đúng trong nhiều khía cạnh của đại dịch. Tất nhiên, bạn có thể nhớ lần đầu tiên bạn nghe nói chúng ta sẽ bị phong tỏa, hay khi bạn được chích ngừa Covid-19.

Nhưng không có nhiều cột mốc sống động và đặc trưng khác (hoặc thú vị với bất kỳ ai khác) xảy ra trong hơn một năm qua.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phạm vi các hoạt động của chúng ta rất hạn chế - đó thường chỉ là các cuộc họp trực tuyến, đi bộ, xem truyền hình, ăn một bữa nữa ở nhà.

Ngày, tuần, tháng đã hợp nhất thành một. Thứ Tư tuần trước có cảm giác rất giống thứ Hai tuần trước đó, và rất khó để biết ngay cả bạn đã đi bộ trong tháng nào ở công viên nào đó, chứ đừng nói đến ngày chính xác.

Tôi thấy thú vị khi thấy chuyện phổ biến thứ nhì mà mọi người lựa chọn để nói ký ức của họ trở nên tệ hơn, đó là việc nhớ ra đúng từ cần thiết để nói ra đúng thời điểm.

Điều này được biết đến trong tâm lý học là 'hiện tượng đầu lưỡi'. Tất cả chúng ta đều gặp tình trạng này từ lúc này tới lúc khác, và nó thường xảy ra với tên người mình muốn nhắc đến. (Thường thì chúng ta mới nhớ lại tên sau đó, khi đã quá muộn. "Ồ vâng, tên cậu ấy là Tom!")

Lý do khiến việc quên từ lại tăng lên trong giai đoạn phong tỏa do Covid-19 thì không rõ ràng, nhưng nó có thể được giải thích đơn giản là trong thực tế, nhiều người chúng ta đã làm việc tại nhà một mình hoặc thậm chí giãn cách tại nơi làm việc, và do đó chúng ta có ít cơ hội để nói chuyện mặt đối mặt với người khác trong suốt cả năm qua, hoặc thậm chí còn lâu hơn thế. Đơn giản là chúng ta đã ngưng thực hành tương tác xã hội.

Những khó khăn trí nhớ phổ biến khác mà dữ liệu mới cho thấy, đó là việc quên rằng ai đó đã nói với bạn điều gì đó, hoặc quên làm những việc bạn nói mình sẽ làm.

Cách giải thích khả dĩ nhất cho điều này là thiếu dấu hiệu nhắc nhở ở môi trường bên ngoài.

Thay vì đi làm, di chuyển trong văn phòng, đến những nơi khác để họp và đụng mặt mọi người liên tục, một số người trong chúng ta chủ yếu bị nhốt trong một căn phòng ở nhà, nhìn chằm chằm vào màn hình cho các cuộc họp trực tuyến không dứt.

Khi mọi người ra ngoài nhiều hơn, họ sẽ đi qua căn phòng nơi họ có cuộc họp nào đó hoặc thấy ai đó đi qua bàn làm việc, kiểu tín hiệu nhắc chúng ta rằng, vâng, chúng ta cần phải chuẩn bị báo cáo cho cuộc họp tiếp theo, hoặc ngày mai là sinh nhật của người bạn đó.

Phụ nữ trở nên 'hay quên' hơn nam giới

Đáng chú ý là hầu hết các ký ức đặc trưng, loại có dấu mốc thời gian hoặc loại húng ta thường ghi nhớ, là ở các sự kiện diễn ra bên ngoài và có thể khớp với giả thuyết rằng khi chúng ta xa nhà, đồi hải mã trong não chúng ta trở nên năng động hơn, có thể là trong nỗ lực đảm bảo chúng ta luôn có thể tìm đường về nhà.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Ngược lại, nếu cuộc sống của chúng ta bị giới hạn hơn, hoạt động ở bộ phận não này vốn rất quan trọng đối với khả năng nhớ các sự kiện bản thân nhiều khả năng bị giảm.

Có thể suy ra trong nghiên cứu này về trí nhớ trong thời kỳ phong tỏa, một trong những yếu tố dự đoán lớn nhất về việc chúng ta cảm thấy trí nhớ của mình tốt thế nào, là chúng ta đã di chuyển bao nhiêu trong ngày.

Những người đi ra ngoài, di chuyển qua lại giữa các tòa nhà khác nhau, hoặc có thể đi từ phòng này sang phòng khác, cho biết họ ít gặp vấn đề về trí nhớ.

Một yếu tố lớn khác - thoáng nhìn qua rất đáng ngạc nhiên - là giới tính.

Phụ nữ nhiều khả năng cảm thấy trí nhớ của họ đã trở nên tệ hơn.

Điều gì có thể giải thích cho việc này? Phụ nữ dường như ghi điểm cao hơn vì họ trải qua nhiều thay đổi tiêu cực hơn trong công việc hay trong các mối quan hệ tình cảm, và có tỷ lệ cao hơn về tâm trạng căng thẳng nói chung. Điều này khớp với các nghiên cứu khác vốn cho thấy phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tình trạng phong tỏa.

Loveday cũng yêu cầu mọi người mô tả một kỷ niệm đáng chú ý trong cuộc sống phong tỏa của họ.

Nhiều khả năng họ sẽ chọn những kỷ niệm từ tháng 4/2020, ngay đầu đợt phong tỏa đầu tiên ở Anh, hơn là trong các đợt phong tỏa sau này.

Một số chủ đề cụ thể xuất hiện rất nhiều bao gồm ra ngoài tự nhiên, các sự kiện khởi đầu và kết thúc như công việc mới, sinh nở, bỏ việc và tang lễ.

Mọi người cũng có khả năng kể họ làm những việc bình thường với gia đình hay bạn bè, nhưng làm một cách khác thường. Một người kể cô chơi bóng bàn với mẹ có đeo găng tay và khẩu trang.

Tin tốt là những ký ức cụ thể này rất chi tiết. "Tôi sẽ xem đây là chỉ dấu cho thấy các bộ nhớ không bị 'hỏng'," Loveday kết luận, "nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả tối đa."

Điều này cho thấy khi cuộc sống trở nên bận rộn trở lại, đối với những người chúng ta không bị suy giảm nhận thức, các tín hiệu cũ vẫn còn và ký ức thực tế của chúng ta sẽ trở lại.

Chẳng mấy chốc, giống như các khía cạnh khác của cái năm kỳ lạ và buồn bã này, tình trạng hay quên của chúng ta sẽ dần giảm bớt.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.