Covid-19: VN gia hạn phong tỏa vùng dịch, tăng tốc tiêm vaccine

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một điểm 'rào chắn' bê tông được dựng lên tại Hà Nội để kiểm soát việc đi lại không được phép trong thời gian áp lệnh phong tỏa ở thủ đô

Việt Nam từ thứ Hai 2/8 sẽ gia hạn phong tỏa toàn bộ 19 tỉnh thành miền Nam thêm hai tuần nữa, chính phủ tuyên bố, giữa lúc tình hình bệnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tăng.

Toàn khu vực đã trong tình trạng phong tỏa kể từ 19/7, với Thành phố Hồ Chí Minh áp thêm lệnh giới nghiêm sau đó một tuần, từ 26/7.

Thành phố thương mại, kinh tế lớn nhất nước đã áp dụng 'giãn cách xã hội' - cách gọi chính thức của Việt Nam đối với việc phong tỏa diện rộng - kể từ 31/5 theo Chỉ thị 15, được nâng lên mức kiểm soát nghiêm ngặt hơn theo Chỉ thị 16 từ 9/7, nhưng đỉnh dịch dường như vẫn đang còn ở phía trước.

Sau những thành công ban đầu của ba đợt bùng phát trước, Việt Nam nay đang đối diện với tình trạng lây lan dịch bệnh nhanh chóng, với các ca bệnh nặng và tử vong cao hơn nhiều so với trước, khiến các lệnh hạn chế nghiêm ngặt đã được đưa ra tại khu vực có khoảng 30% dân số Việt Nam sinh sống.

Lây nhiễm cộng đồng

Số liệu chính thức tính đến sáng ngày 1/8 cho thấy Việt Nam đã ghi nhận 150.060 ca dương tính, đa số là các ca lây nhiễm trong nước (147.819 ca).

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Riêng trong đợt bùng phát này, tính từ 27/4, các ca nhiễm virus đạt 146.249 trường hợp.

Giới chức đã ngừng công bố hàng ngày con số người chết do Covid-19, mà gộp chung vài ngày một lần. Số liệu cập nhật mới nhất được chính thức công bố lúc này là đã có 1.306 ca tử vong.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, số người chết tính từ đầu năm tới nay là 1.164, theo cơ quan phòng chống dịch bệnh thành phố.

Đây vẫn tiếp tục là tâm dịch, nơi ghi nhận tình trạng các ca nhiễm mới cao nhất nước.

"Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh," Phó thủ tướng, Trưởng ban Phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam nói hôm 30/7.

"Tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra, vì phải hàng tháng nữa mới kiểm soát được tình hình ở khu vực này," ông nói thêm.

Tại Đà Nẵng, lệnh cấm di chuyển được áp dụng từ thứ Bảy 31/7 cho tới khi có thông báo mới.

Thủ đô Hà Nội, sau lệnh áp dụng 'biện pháp cấp bách' hôm 19/7, cũng đã tuyên bố phong tỏa thành phố trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 24/7. Tuy nhiên, giới chức đang cân nhắc khả năng gia hạn lệnh này.

Bộ Y tế hôm thứ Sáu ra lời kêu gọi khẩn tới các cơ sở y tế tư nhân, giữa lúc năng lực đối phó của các bệnh viện công trong việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đã trở nên quá tải.

Tăng tốc tiêm vaccine

Từ những chậm trễ ban đầu, hiện Việt Nam đang tăng tốc triển khai tiêm vaccine đại trà cho dân chúng.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tại Hà Nội, việc tiêm chủng diện rộng bắt đầu từ hôm 27/7, cho các nhóm đối tượng từ 18 đến 65 tuổi. Dự kiến sẽ có 5,1 triệu người được tiêm trong thời gian từ tháng 7/2021 đến 4/2022.

Chương trình tiêm chủng đại trà tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ hôm 22/7, với nhóm người trên 65 tuổi và có bệnh nền được ưu tiên.

Bộ Y tế nói trong năm 2021, dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ được phân khoảng 13,8 triệu liều, với mục tiêu đủ để tiêm cho 99% số người từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 triệu liều sẽ được giao trong tháng Tám.

Vaccine AstraZeneca cho đến nay vẫn chiếm vai trò chủ lực trong số các loại vaccine đang được sử dụng ở Việt Nam, bên cạnh các loại được phê duyệt và nhập vào sau là Sinopharm, Pfizer và Moderna.

Hôm 31/7, lô hàng gồm 1 triệu liều vaccine Sinopharm đầu tiên trong số 5 triệu liều do công ty tư nhân Vạn Thịnh Phát đặt hàng từ Trung Quốc để tặng cho TP Hồ Chí Minh đã về tới thành phố. Được biết số 4 triệu liều còn lại sẽ được giao nhận trong tháng Tám.

Tuy nhiên, không rõ 5 triệu liều mà thành phố được tặng này có nằm trong số 13,8 triệu liều mà Bộ Y tế nêu ra hay không.

Trước đó, hồi cuối tháng Sáu, nửa triệu liều vaccine Sinopharm hàng viện trợ của Trung Quốc cho chính phủ Việt Nam đã được phân phối cho 9 tỉnh miền bắc, trong đó chủ yếu dành cho Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm được gần 6 triệu liều vaccine Covid-19, nhưng chỉ mới có khoảng 589.000 người được tiêm đầy đủ hai liều, Reuters tường thuật.