Nhờ cơ sở vững vàng là nền tiểu học quốc ngữ được bắt nguồn từ các trào lưu hậu Đông Kinh nghĩa thục mà sau Cách mạng tháng 8, ngành giáo dục non trẻ của Việt Nam mới có thể đề xuất việc dùng tiếng Việt trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

Một trong số các trào lưu đó là trào lưu Quốc ngữ - Quốc văn - Quốc học - Quốc hồn do ông Chủ bút Nam Phong tạp chí Phạm Quỳnh kiên trì theo đuổi.

Tuy ngôi nghĩa thục trung ương trên phố Hàng Đào chỉ hoạt động được 7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11/1907) thì bị đóng cửa và những người sáng lập cùng cộng tác viên lần lượt bị bắt bớ tù đày, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng khai sáng thay vì bạo động non do các lãnh tụ phong trào Duy tân-Đông Kinh nghĩa thục khởi xướng, còn tiếp tục tác động sâu rộng và dài lâu.

Vốn được chuẩn bị bởi những cơ sở văn hoá - xã hội rộng khắp của tầng lớp “Nho sĩ bình dân” (danh xưng do nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đề xuất, đối lập với “Nho sĩ quan lại”) trong các làng xã, phường thôn từ nửa thế kỷ trước, lại nhờ có được một đường lối “giáo dục quốc dân” thực sự mang tính cánh mạng là thay nền giáo dục Nho học cổ hủ cốt đào luyện “thần dân bù nhìn chỉ biết làm theo lệnh trên”, bằng một sách lược tân học văn minh (“Văn minh tân học sách”) “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm đào tạo những công dân biết độc lập suy nghĩ và tự hành động, - cho nên Đông Kinh nghĩa thục trong nhiều thập kỷ sau vẫn tác động mạnh mẽ đến mọi trào lưu tư tưởng trong xã hội Việt Nam thuộc địa-nửa phong kiến.

Khắp đô thị và nông thôn vẫn ngầm tuôn các mạch tư tưởng dân tộc-dân chủ mà Đông Kinh nghĩa thục đã kịp khơi thông. Từ đền Ngọc Sơn giữa Hà Nội đến chùa Nhã Nam ở Cần Thơ người ta vẫn giảng những bài Đạo Nam kinh thấm đậm hồn duy tân: Hợp đoàn thể, Khuyến nông, Khuyến công, Khuyến thương, Khuyến nữ học…; “nghĩa thục An Phước” ở Quảng Nam tiếp tục giáo dục thực nghiệp; tu sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, cháu nội của cụ Cử trưởng ban tu thư Đông Kinh nghĩa thục Nguyễn Hữu Cầu, vẫn mở lớp dạy chữ quốc ngữ, soạn và in sách quốc ngữ truyền bá đạo lí dân tộc và khoa học thường thức để phát không cho dân nghèo…

Đặc biệt là tầng lớp xã hội mới là học sinh, sinh viên nhanh chóng hấp thụ các tư tưởng dân chủ-dân quyền nên đã dám “độc lập suy nghĩ và tự hành động”, tập hợp lực lượng và phản ứng mạnh mẽ trong các cuộc đấu tranh đòi giảm án tử hình Phan Bội Châu (1925), truy điệu và để tang Phan Châu Trinh, đòi thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926). Bắt đầu hình thành các tổ chức chính trị sơ khai dưới hình thức các nhóm tập hợp xung quanh một số tờ báo uy tín hay nhà xuất bản như: tờ tiếng Pháp Chuông rè (Nguyễn An Ninh), những tờ tiếng Việt: Hữu Thanh (của Trung - Bắc nông, công, thương hội, từ 1921 do chí sĩ Duy tân Ngô Đức Kế từ Côn Đảo về làm chủ bút), Tiếng Dân (từ 1927 do Huỳnh Thúc Kháng nắm, Võ Nguyên Giáp tham gia), các nhà sách Nam đồng thư xã (Hà Nội), Cường học thư xã (Sài Gòn), Quan hải tùng thư (Huế)… đã phát hành nhiều sách tiến bộ.

Nam Phong tạp chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng của tư trào hậu Đông Kinh nghĩa thục, hơn thế nữa, theo hồi ức đã công bố của một số trí thức đương thời đã trở thành diễn đàn uy tín, dẫn đạo được quốc dân trong “buổi giao thời”. Ấy là nhờ vị Chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh có tinh thần tự chủ văn hóa đã tuyên ngôn rõ ràng, có học vấn thông kim bác cổ, có nhân cách kẻ sĩ đàng hoàng, lại có tài tổ chức, nên đã tập hợp được một đội ngũ trên trăm rưởi tác gỉả tài ba thuộc đủ khuynh hướng xã hội-chính trị, nhưng đều là những cây bút nghiêm túc và xuất sắc, từ các bậc đàn anh từng tham gia Đông Kinh nghĩa thục như Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc, đến lớp hậu sinh có tư tưởng cấp tiến như sáng lập viên Việt Nam Quốc dân đảng Phạm Tuấn Tài và đảng viên Cộng sản tương lai Lê Mạnh Trinh.

Bia tưởng niệm Nhà văn hóa Phạm Quỳnh tại danh hương Hoa Đường xưa, nay là làng Văn hóa Lương Ngọc, x. THúc Kháng h, Bình Giang-Hải Dương. Thiết kế; KTS, PGS TS Tôn Thất Đại (cháu ngoại cụ Phạm Quỳnh), chỉ  đạo thi công: Vũ Đình Năng ( bên tay trái ô. Phạm Tuyên), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thúc Kháng (6 khúa liên tiêp!)
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bên bia tưởng niệm cha - nhà văn hóa Phạm Quỳnh - tại danh hương Hoa Đường xưa, nay là Làng Văn hóa Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nguồn: TLGĐ

Với hoàn cảnh và địa vị của mình, Phạm Quỳnh đề cao trước hết là tự chủ văn hóa- giáo dục. Trong bài phát biểu năm 1922, ký giả Phạm Quỳnh, cố ý mặc quốc phục áo the đen và đóng khăn xếp, từ diễn đàn của Tiểu ban Chính trị Viện Hàn lâm Pháp, đã khôn ngoan mượn lời lẽ của một học giả Pháp để nói thẳng với chư vị viện sĩ Hàn lâm Đại Pháp rằng: “Trong tình hình thế giới hiện nay, sự thống trị chính trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, dù là văn hóa kém hơn, chỉ có tính tạm thời. Không một cộng đồng dân cư nào còn chịu được nữa cảnh bị bảo hộ. Một dân tộc chỉ cần có một chút ý thức về mình thôi, thế là nó liền mong muốn được tự chủ. Không cách gì hoà giải nổi một dân tộc biết rõ là mình bị áp bức với một chính quyền ngoại bang1.

Rõ ràng ông Chủ bút Nam Phong tạp chí không có ý định hạn chế trong phạm vị mấy điều cải lương nhỏ giọt của “mẫu quốc Đại Pháp” mà nuôi hoài bão “thể cái chủ nghĩa khai hóa” của chính quyền bảo hộ để làm đại sự - kế tục khéo léo hơn, ôn hòa hơn trong tình thế mới, đường lối “khai dân trí”, “chấn dân khí” nhằm cứu nước của Duy tân-Đông Kinh nghĩa thục.

Phạm Quỳnh đã thực hiện đường lối giáo dục cứu nước trên hơn 2 vạn trang Nam Phong tạp chí như thế nào? Các bài vở bàn bạc về các vấn đề giáo dục, kể cả tranh luận giữa các ý kiến trái chiều, vô cùng phong phú. Trong phạm vi bài này xin phép chỉ đề cập một vấn đề, từng được Văn minh tân học sách của Đông Kinh nghĩa thục nêu lên hàng đầu trong đường lối giáo dục quốc dân của các nhà nho Duy tân:

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta…

Ông Phạm Quỳnh kiên trì đấu tranh thực sự cho việc dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ la-tinh hóa làm công cụ chuyển tải tri thức phổ thông thay cho tiếng Pháp. Chuyện bây giờ tưởng như đương nhiên, hóa ra không hề dễ dàng trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ và chính quyền thực dân đang chủ trương biến dân Việt thành những con vẹt nói tiếng Pháp ngô ngọng như thổ dân ở các thuộc địa châu Phi của họ.

“Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới xây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy” (Văn quốc ngữ - Nam Phong, 1917). Ảnh: INT
“Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới xây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy” (Văn quốc ngữ - Nam Phong, 1917). Ảnh: INT

Lại nữa, như các tiểu mục trên Nam Phong phản ánh, một bộ phận người Việt thăng tiến nhanh chóng nhờ “vào làng Tây”, tức trở thành những ông “Tây An Nam”, vì vụ lợi đòi dạy cho con em họ tiếng Pháp ngay từ ấu học, để chúng thành “Tây con”, nhanh chóng kiếm được vị trí “sáng rượu sâm-banh, tối sữa bò”. Ông chủ bút Nam Phong gọi chủ trương đó là “tư tưởng kì khôi”, là đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ông cảnh tỉnh: “Một giống người đến quốc âm cũng không giữ được là một giống cam tâm tự diệt vậy”. Chủ bút họ Phạm kiên trì gắn kết Quốc ngữ - Quốc văn - Quốc học - Quốc hồn.

Ngay từ bài đầu tiên trên Nam Phong bàn về giáo dục, lại là giáo dục cho phụ nữ, ông đã khẳng định: “Phàm phổ thông giáo dục mà dạy bằng tiếng ngoại quốc nhiều, là thất sách cả. Đối với con trai còn hại, huống chi là con gái” (Nam Phong, số 4/1917). Theo ông, chỉ quốc ngữ gắn liền với quốc văn, quốc học và quốc hồn mới xây dựng được nhân cách Việt vững vàng để tiếp thu văn minh Pháp và nhân loại.

Hướng tới các quan thực dân định đoạt vận mệnh nền giáo dục ở thuộc địa, ông nhẹ nhàng than trách Học chính tổng quy -1917 của Toàn quyền Albert Sarraut là nó “chỉ để cho tiếng Nam một vị trí hết sức nhỏ bé chẳng có chút ý nghĩa gì ở bậc tiểu học”. Ông khéo léo gợi ý họ: “Có hợp lý hơn chăng, tốt hơn chăng là đưa cho người Nam một nền giáo dục tiểu học tốt bằng tiếng mẹ đẻ của họ để tạo cho họ một nền quốc học thực sự, sau đó từ nền giáo dục này lựa chọn nghiêm túc những thành phần ưu tú có thể tiếp tục học lên và dạy cho họ tiếng Pháp như thứ ngoại ngữ đầu tiên để chuẩn bị cho họ theo học các trường trung học, kỹ thuật và cao đẳng ở Đông Dương cũng như ở Pháp?”… Và ở bậc trung học nên chăng là dành một vị trí cho chữ Hán, thứ chữ với chúng tôi cũng như tiếng Latin với tiếng Pháp, cả chữ Hán với chữ Latin đều là những môn nhân văn thực sự của hai dân tộc chúng ta?”. "Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới xây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy” (Văn quốc ngữ - Nam Phong, 1917).

Ông không chỉ viết như vậy về vai trò của tiếng Việt như cơ sở của nền Quốc học-Quốc hồn. Chủ bút Nam Phong tạp chí đã thực thi ngay trên tờ báo của mình việc làm giầu và hoàn thiện tiếng Việt. Chủ nhiệm họ Phạm đã đưa Quốc ngữ lên một bước phát triển cao hơn – trở thành ngôn ngữ văn hóa trong văn học- nghệ thuật và khoa học-kỹ thuật. Là một học giả uyên thâm Hán văn, ông đưa vào tiếng Việt nhiều từ Hán Việt để chuyên tải các khái niệm mới về chính trị, kinh tế, triết học, tôn giáo, khoa học tự nhiên, văn hóa. Và điều quan trọng là mỗi số báo đều có trang giải thích rõ ràng ý nghĩa và cách dùng các từ mới, đặc biệt là từ gốc Hán – một điều hiện nay không một tờ báo nào làm.

Mỗi số Nam Phong tạp chí đều có trang giải thích rõ ràng ý nghĩa và cách dùng các từ mới, đặc biệt là từ gốc Hán. Ảnh: INT
Mỗi số Nam Phong tạp chí đều có trang giải thích rõ ràng ý nghĩa và cách dùng các từ mới, đặc biệt là từ gốc Hán. Ảnh: INT

Học giả họ Phạm mới 30 tuổi đã tỏ ra là một nhà giáo dục học uyên thâm và tiên tiến khi thuyết minh cho chư vị viện sĩ Hàn lâm Pháp về cứu cánh, tức mục đích nhân văn cuối cùng, hay như thuật ngữ thời thượng hiện nay - “mô hình đầu ra” của một nền giáo dục chân chính: “Nếu mục đích tối cao của giáo dục là góp phần phát triển đầy đủ con người, nếu nhân cách con người luôn luôn trước hết là kết quả của môi trường và chủng tộc, rồi là của nền tảng nhân sinh và vũ trụ là cái ở mọi thời và mọi nước đều tạo nên con người, cũng đúng là cái đã đặt nền móng cho văn hóa Pháp, thì chúng tôi đòi hỏi nền giáo dục Pháp hãy đào luyện không phải là những người Nam què quặt, mà là những người Nam thực sự, những người Nam toàn diện, vừa biết hấp thụ khoa học và văn minh Tây phương, vừa vẫn gắn bó với ngôn ngữ và truyền thống lâu đời của chủng tộc mình2.

Rõ ràng không ngẫu nhiên ông “Vua tân thời” Bảo Đại chọn Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Học!

Cũng hoàn toàn có lí, khi vị Bộ trưởng đầu tiên của bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ông Vũ Đình Hòe - đề nghị: “Thiết tưởng ta cũng nên ghi công cho ông Thượng thư này và ông Vua tân thời này về chủ trương đặt cấp cơ sở của hệ thống giáo dục chính quy thành hẳn một cấp chuyên dạy bằng tiếng Việt, có thi hết cấp với văn bằng đàng hoàng mang tên Bằng sơ học yếu lược” .

Phải có cái cơ sở vững vàng là nền tiểu học quốc ngữ - quốc văn - quốc hồn đã tồn tai hàng chục năm, từ năm 1933, thì sau Cách mạng tháng 8 – 1945, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Hồ Chí Minh mới đề xuất được việc dùng tiếng Việt trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi vừa ở Chiến khu Việt Bắc về đến Hà Nội sau Tổng Khởi nghĩa tháng Tám, hẳn đã có ý định sử dụng học giả Phạm Quỳnh trong lĩnh vực văn hóa-giáo dục nên mới chỉ thị cho Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Hữu Nam: “Chú Nam, hoặc xem có ai thay được chú vô Huế, gặp cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời Cụ…”


(1) Phạm Quỳnh: Tiểu luận. Viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932. Phạm Toàn giới thiệu và biên tập – NXB Tri Thức, Hà Nội 2007, tr.410. Những phần in nghiêng trong các trích dẫn là do tác giả bài viết nhấn.

(2) Vũ Thế Khôi – Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn, một cơ sở văn hoá - xã hội sâu xa của phong trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục- Vietnam - le moment moderniste, Publications de l’Université de Provece 2009, tr. 408

(3) Vũ Đình Hòe: Nguồn gốc của Hội Truyền bá Quốc ngữ - Tạp chí Xưa & Nay, số 51, tháng 5 - 1998.

(4) Nguyễn Văn Khoan (chủ biên): Thượng Chi Phạm Quỳnh– NXB Văn học-2011, tr.134.