- Thông tin cơ bản về Australia và quan hệ Việt Nam - Australia
 Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về Australia và quan hệ Việt Nam - Australia


KHÁI QUÁT CHUNG

1.               Tên nư­ớc: Ô-xtrây-li-a thuộc Khối thịnh vượng chung (The Commonwealth of Australia)

2.               Thủ đô: Can-bê-ra (Canberra)

3.               Quốc kỳ:


4.               Quốc khánh: 26/01/1788

5.               Diện tích: Gần 7.7 triệu km2 (thứ 6 thế giới)

6.               Dân số: 25 triệu người (2/2019).

7.               Vị trí địa lý: Nằm ở bán cầu Nam, bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, Biển Araphura ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam. Khí hậu: Khô, nhiệt đới (ở phía Bắc) và ôn đới (ở phía Nam). Nhiệt độ trung bình khoảng 270 C (phía Bắc) và 130 C (phía Nam).

8.               Thu nhập bình quân đầu người: 57,821.511 USD (năm tài khóa 2018-2019) 

9.               Đơn vị tiền tệ: Đô-la Australia ($); 1 USD = 1,37 AUD (8/2020)

10.           Dân tộc: Người nhập cư từ Châu Âu (chủ yếu từ Anh), Châu Mỹ, Châu Á, thổ dân bản địa và di cư từ các đảo nhỏ trong khu vực Nam Thái Bình Dương.

11.           Tôn giáo: Chủ yếu là đạo Thiên chúa giáo.

12.           Ngôn ngữ: Tiếng Anh.

CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

- Thể chế nhà nước: Quân chủ lập hiến. Nguyên thủ Quốc gia là Nữ hoàng Ô-xtrây-li-a Ê-li-da-bét Đệ nhị (Nữ hoàng nước Anh). Toàn quyền là người đại diện cho Nữ hoàng, được phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng liên bang được chỉ định bởi Toàn quyền và được phê chuẩn bởi Nữ hoàng. Đơn vị hành chính có 06 tiểu bang và 02 vùng lãnh thổ thuộc liên bang, mỗi tiểu bang có Thống đốc là người đại diện của Nữ hoàng và Thủ hiến là người đứng đầu Chính phủ của tiểu bang.

Quốc hội liên bang là cơ quan lập pháp cao nhất gồm 2 viện. Hạ viện liên bang gồm 150 Hạ nghị sĩ (nhiệm kỳ 3 năm), được bầu theo hệ thống bầu phiếu phổ thông lựa chọn ưu tiên và căn cứ trên số đơn vị bầu cử của mỗi bang, Chủ tịch Hạ viện là người của Đảng cầm quyền. Thượng viện liên bang gồm 76 Thượng nghị sĩ (12 Thượng nghị sỹ mỗi bang, nhiệm kỳ 6 năm); riêng hai vùng lãnh thổ trực thuộc được bầu 02 Thượng nghị sỹ (nhiệm kỳ 3 năm).

Ngành tư pháp có 2 cấp: Tòa án Liên bang (gồm Tòa án Tối cao, Tòa án liên bang, Tòa án Gia đình) và Tòa án tiểu bang (thường bao gồm Tòa Sơ thẩm, Tòa Trung thẩm và Tòa án Tối cao tiểu bang).

Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp), và các ngành tư pháp có ở 2 cấp liên bang và tiểu bang.

- Thể chế chính trị: đa đảng (các đảng lớn gồm Đảng Tự do, Công đảng, Quốc gia, Đảng Dân chủ, Đảng Xanh...). Tổng tuyển cử được tổ chức 3 năm/lần; gần nhất vào 18/5/2019.

- Các Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

+ Toàn quyền: Ông Đây-vít Hơ-li (David Hurley), từ tháng 1/2019

+ Thủ tướng: Ông Xcốt Mô-ri-xơn (Scott Morrison), từ tháng 8/2018

+ Chủ tịch Thượng viện: Ông Xcốt Rai-ần (Scott Ryan), từ 2017

+ Chủ tịch Hạ viện: Ông Tô-ni Xmít (Tony Smith), từ 2015

+ Lãnh tụ đối lập: Ông An-tho-ni An-ba-nít (Anthony Albanese), từ tháng 6/2019

+ Bộ trưởng Ngoại giao: Bà Ma-rít Pay-nơ (Marise Payne), từ tháng 8/2018

QUAN HỆ VIỆT NAM - Ô-XTRÂY-LI-A

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 26/02/1973

2. Khuôn khổ quan hệ: Đối tác Chiến lược (15/3/2018)

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:

- Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến hành lập Đại sứ quán tại mỗi nước. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009, Đối tác Toàn diện tăng cường năm 2015. Hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (14-17/3/2018).

- Các chuyến thăm phía Việt Nam gần đây: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3/2018); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2015); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2017); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (7/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (12/2016); Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (11/2019); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (4/2018); Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn (11/2017); Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (10/2017); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (12/2019); Bộ trưởng Công an Tô Lâm (9/2015 và 12/2016); Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (1/2016) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (11/2018).

- Các chuyến thăm phía Ô-xtrây-li-a gần đây: Toàn quyền Australia Peter Cosgrove thăm cấp Nhà nước (5/2018); Thủ tướng John Howard (11/2006); Thủ tướng Julia Gillard (10/2010); Thủ tướng Malcolm Turnbull sang dự Hội nghị Cấp cao APEC (11/2017)Thủ tướng Scott Morrison (8/2019); Chủ tịch Hạ viện Anna Burke (5/2013); Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop (9/2014); Chủ tịch Hạ viện Tony Smith (7/2018); Chủ tịch Thượng viện Scott Ryan (01/2019; Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop (5/2018 và 2/2014); Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne (6/2019); Thủ hiến vùng Lãnh thổ Bắc Australia Michael Gunner (11/2018); Thống đốc bang Queensland Paul de Jersey (5/2019).

- Dù các trao đổi đoàn và cơ chế song phương bị hoãn trong 6 tháng đầu năm 2020, hai bên vẫn linh hoạt tổ chức tiếp xúc cấp cao để duy trì đà quan hệ, đáng chú ý là các cuộc điện đàm giữa hai Thủ tướng (09/4), hai Bộ trưởng Ngoại giao (16/4). Australia sẵn sàng giúp ta nâng cao năng lực ứng phó Covid-19, ta cũng trao hỗ trợ Australia vật tư y tế trị giá 50.000 USD và đang phối hợp để chuyển hỗ trợ này cho phía Timor-Leste. Hai bên cũng đang thúc đẩy hoàn thiện và ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2020 – 2023 nhằm thay thế Chương trình hành động giai đoạn 2016 - 2019.

4. Hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể:

- Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì (trên 20 cơ chế), trong đó có các cơ chế quan trọng như họp hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai Bộ trưởng Quốc phòng và Hội nghị Đối tác kinh tế và các hợp tác giữa các địa phương. Gần đây nhất, hai bên đã họp Hội nghị Đối tác kinh tế cấp Bộ trưởng lần thứ nhất (11/2019), Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng Công an (12/2019), Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao – quốc phòng lần thứ 7 (12/2019), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng (10/2019), Nhóm công tác về ODA (9/2019), Nhóm công tác về Thương mại (10/2019) và các cơ chế Tham vấn Lãnh sự cấp Cục/Vụ trưởng…  Các cơ chế khác đến nay có: họp Bộ trưởng Ngoại giao lần 1 (5/2018), Đối thoại an ninh biển lần 2 (10/2019), Đối thoại Nhân quyền (lần 14 vào 28/8/2018 tại Hà Nội), Tham vấn luật pháp (26/8/2018), Tư vấn Lãnh sự (lần thứ 13 tại Hà Nội 28/11/2018), Tham vấn cấp cao về viện trợ phát triển (4/2017), Diễn đàn đối thoại chính sách nông nghiệp cấp cao (lần thứ 2 ngày 9/5/2018 tại Canberra), Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ cấp Thứ trưởng (lần 1 vào tháng 3/2016), Uỷ ban Hợp tác Kinh tế Thương mại - JTEC (11/2011, năm 2018 đã được thay thế bởi Hội nghị Đối tác kinh tế thường niên…

- Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh... Hai bên đã ký MOU về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (2016); Không quân Hoàng gia Australia trong tháng 10/2018 đã cung cấp 02 chuyến bay (C17) chở các chiến sỹ quân y Việt Nam, cùng toàn bộ máy móc thiết bị lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Tàu hải quân Australia nhiều lần thăm Việt Nam (gần nhất 03 tầu chiến Australia thăm TP.HCM 18-22/4/2018). Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam (TP.HCM), qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...

- Về kinh tế, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 4 của Australia trong ASEAN (tăng 1 bậc so với năm 2017), Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,33 tỷ USD (ta xuất 1,4 tỷ USD, nhập 1,93 tỷ USD), năm 2019 đạt 7,94 tỷ USD (xuất 3,49 tỷ USD, nhập 4,45 tỷ USD; tăng 3% so với 7,71 tỷ USD năm 2018). Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn; ta đang thúc đẩy Bạn cho phép nhập khẩu chanh leo, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi, sầu riêng và tôm sống nguyên con vào thị trường Australia. Tính đến hết tháng 10/2019, Australia có 471 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,89 tỷ USD, đứng thứ 20/131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ta hiện có 54 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị đạt hơn 260 triệu USD.

- Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018). Australia viện trợ không hoàn lại cho ta 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh (khánh thành ngày 27/5/2018). Trong bối cảnh cắt giảm ODA nói chung, Australia tiếp tục dành 78,2 triệu AUD ODA cho Việt Nam (giảm 7%) trong giai đoạn 2019-2020, tập trung lĩnh vực cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.

- Giáo dục là lĩnh vực hợp tác phát triển mạnh. Australia cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam (hiện nay duy trì khoảng gần 100 suất, thời điểm cao điểm lên tới 400 suất/năm). Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (trong đó 90% theo diện tự túc). Bên cạnh đó, các trường đại học/học viện của hai nước đang có 18 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Chương trình Colombo Mới ngày càng thu hút nhiều học giả, sinh viên Australia tham gia thực tập ở Việt Nam, tổng cộng giai đoạn 2015-2019 đã có gần 3.000 người tham gia, tăng trung bình 20% mỗi năm.

- Australia đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tháng 11/2017 hai nước đã công bố chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Australia (Aus4Innovation); Australia hỗ trợ thành lập và tài trợ “Trung tâm đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các start-up trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hai bên bắt đầu triển khai Chương trình Lao động Kỳ nghỉ (3/2015) cho phép công dân Việt Nam sang Australia du lịch kết hợp làm việc và phía Australia nhất trí nâng hạn mức từ 200 lên 1500 người/năm kể từ tháng 9/2019.

- Số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam tăng đều qua các năm, tuy nhiên giảm 15% trong Quý I/2020 (so với cùng kỳ). Các hãng hàng không hai nước đang khai thác đường bay thẳng với tần suất 14 chuyến/tuần. Năm 2019, có 383.511 lượt khách Australia đến Việt Nam. Năm 2018, đã có 386.934 lượt du khách Australia tới Việt Nam, giảm nhẹ so với năm trước đó và đứng thứ 6/10 thị trường hàng đầu vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Australia năm 2017 tuy vẫn tăng 33,6% so với 2016 nhưng chỉ đạt 93.800 lượt, đứng thứ 18/57 thị trường có khách du lịch đến Australia.

- Cộng đồng người Việt tại Australia có khoảng 350.000 người (đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Australia). Người Việt có mặt ở hầu hết các bang song tập trung chủ yếu tại các bang Nam Australia, Queensland, New South Wales (100.000 người), Victoria (130.000 người)… Do tác động của Covid-19, đời sống của cộng đồng ta bị ảnh hưởng mạnh, số đông bị thất nghiệp hoặc phải đóng cửa kinh doanh. Ta đã tổ chức chuyến bay đầu tiên đưa 249 công dân về nước (01/6), góp phần giải quyết nhu cầu khẩn thiết của phần nhỏ trong số 1.800 công dân bị mắc kẹt tại Australia.

- Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, ASEM, LHQ. Ta ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2013-2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016-2017. Bạn ủng hộ ta vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và ECOSOC 2016-2018; Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2021./.

Tháng 8/2020

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer