“Tôi chủ yếu là một nhạc trưởng đồng thời cũng là người sáng tác. Đương nhiên, tôi rất vui khi được nhớ đến với tư cách là nhạc trưởng và một nhà soạn nhạc.” – Otto Klemperer

Otto Klemperer chắc chắn là một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 20 với âm nhạc Đức-Áo, mà nổi bật là các tác phẩm của Ludwig van Beethoven, Johannes Brahms, Anton Bruckner và Gustav Mahler. Bất chấp việc sức khoẻ bị suy giảm nghiêm trọng trong nửa cuối cuộc đời, Klemperer vẫn hoạt động nghệ thuật một cách bền bỉ và say mê. Là một người lạnh lùng, nghiêm khắc và dễ nóng giận, Klemperer luôn tôn trọng tổng phổ của nhà soạn nhạc một cách tối đa, không bao giờ quan tâm đến những gì hào nhoáng, phô trương mà chỉ nỗ lực truyền tải bản chất của âm nhạc, dựa trên một sự cân bằng hoàn hảo. Cuộc sống của ông trải qua nhiều thăng trầm, Klemperer bị bệnh tật hành hạ, từng bị đưa vào viện tâm thần với cảnh báo “nguy hiểm và mất trí”, bị Đức Quốc xã truy lùng vì nguồn gốc Do Thái của mình nhưng ông vẫn vượt qua tất cả, nỗ lực quay trở lại bục chỉ huy và chinh phục khán giả. Trong suốt cuộc đời mình, Klemperer là đại diện tiêu biểu cho những gì là tinh hoa của phong cách chỉ huy Đức: đầy lý trí, trực tiếp, kỷ luật và làm nổi bật lên sức mạnh tuyệt đối.

Otto Nossan Klemperer sinh ngày 14/5/1885 tại Breslau, Silesia, thời điểm đó thuộc nước Phổ, Đế quốc Đức, ngày nay là Wrocław, Ba Lan. Otto là người con thứ hai đồng thời là con trai duy nhất của ông Nathan và bà Ida, những người Do Thái. Họ gốc của gia đình là Klopper nhưng được đổi thành Klemperer vào năm 1887 để tuân thủ theo sắc lệnh của hoàng đế Áo Joseph II nhằm đồng hoá người Do Thái vào xã hội Cơ đốc giáo. Otto được sinh ra trong một gia đình âm nhạc, ông Nathan là ca sĩ còn bà Ida chơi piano. Khi Otto lên bốn tuổi, cả gia đình chuyển đến Hamburg, nơi Nathan có được công việc trong ngành thương mại còn Ida dạy piano. Chính bà là người đã dạy cậu con trai mình những bài học piano đầu tiên khi Otto lên 5 tuổi. Được trời phú cho một cao độ hoàn hảo, chỉ trong vòng một năm cậu bé đã có những tiến bộ đáng kể. Ida nhớ lại: “niềm vui lớn nhất của Otto là đặt một tập thơ trên cây đàn piano và ứng tác theo ý tưởng mà những bài thơ này gợi lên trong đầu”. Otto còn được cho theo học với Hans Havekoss, một nghệ sĩ chơi organ và chỉ huy hợp xướng trong 6 năm và đã nhanh chóng thông thạo rất nhiều tác phẩm dành cho piano độc tấu từ Johann Sebastian Bach cho đến Robert Schumann. Chín tuổi, một sự kiện xảy ra đã khiến cậu bé quyết định hiến dâng cả cuộc đời mình cho âm nhạc. Klemperer nhớ về khoảnh khắc gặp gỡ “người đàn ông đã trở thành nguồn cảm hứng chính trong cả cuộc đời nhạc sĩ của mình”: “Tôi đã nhìn thấy Mahler khi tôi còn khá nhỏ. Tôi đang trên đường đến trường. Không cần ai chỉ ông ấy cho tôi, tôi biết đó là ông ấy. Khi đó ông ấy có thói quen để khuôn mặt mình có những biểu cảm kỳ lạ, điều này gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi bẽn lẽn chạy sau ông ấy khoảng mười phút và nhìn chằm chằm vào ông như thể đó là một quái vật ở dưới đáy biển sâu”. Chính giây phút này đã biến ước mơ muốn trở thành diễn viên của Otto chấm dứt. Cậu bé đã coi âm nhạc là lẽ sống của cuộc đời mình.

Gia đình cho Klemperer theo học tại Nhạc viện Hoch, Frankfurt, nơi đào tạo âm nhạc hàng đầu nước Đức lúc bấy giờ, bất chấp việc cậu chưa hoàn thành chương trình cấp hai. Trên thực tế, tại trường phổ thông, Klemperer tỏ ra khá vô kỷ luật và sau này, ông nhiều lần than thở về những thiếu sót trong việc học hành của mình, dẫn đến việc sau này Klemperer có một sự tôn sùng gần như thái quá đối với việc học tập và như thể bù đắp cho quá khứ, ông luôn thích được bầu bạn với những trí thức. Tại Nhạc viện Hoch, các thầy giáo của cậu là James Kwast (piano) và Ivan Knorr (lý thuyết âm nhạc). Klemperer đặc biệt kính trọng Kwast và coi ông là bệ đỡ cho toàn bộ sự phát triển âm nhạc của mình sau này. Thường tập luyện piano tám tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại dành cho lý thuyết âm nhạc và chơi violin, không có gì bất ngờ khi chỉ sau vài tháng Klemperer đã được lựa chọn để biểu diễn trước toàn trường. Kwast chuyển tới dạy học tại Nhạc viện Klindworth-Scharwenka, Berlin và sau đó là Nhạc viện Stern, Berlin. Klemperer đều đi theo người thầy giáo của mình. Bên cạnh đó, nhà soạn nhạc nổi tiếng Hans Pfitzner cũng từng có quãng thời gian dạy Klemperer sáng tác và chỉ huy dàn nhạc. Tác phẩm đầu tiên của Klemperer được biểu diễn trước công chúng là một piano trio, chịu ảnh hưởng lớn từ Johannes Brahms. Klemperer muốn trở thành một nghệ sĩ piano và đã tham gia một vài cuộc thi cũng như gây dựng được một số tiếng vang. Tuy nhiên, theo như nhà viết tiểu sử Peter Hayworth: “Sự lo lắng đã cản trở sự tiến bộ của ông ấy. Khi biểu diễn trước công chúng, tay của Klemperer bị ướt vì căng thẳng và phần chơi của ông được coi là kém ấn tượng hơn so với khi biểu diễn riêng tư”.

Klemperer chính thức gặp thần tượng Mahler của mình vào năm 1905 tại Berlin khi nhà soạn nhạc chứng kiến Oscar Fried dàn dựng và chỉ huy bản Giao hưởng số 2 của mình còn Klemperer chịu trách nhiệm cho dàn kèn đồng bên ngoài sân khấu. Họ nhanh chóng trở thành những người bạn của nhau. Klemperer dành cho Mahler những lời kính trọng: “Ông rất tử tế và hay giúp đỡ những người trẻ tuổi, mặc dù đối với thế hệ lớn tuổi hơn, ông ấy thường có vẻ nóng nảy và đó là lý do tại sao họ ghét ông ấy. Ông mạnh mẽ và chính trực với niềm tin của mình – có lẽ là người duy nhất ở Vienna vào thời điểm đó không thể bị mua chuộc. Tại đây, việc gửi cho một nhà phê bình vài trăm mark để được đánh giá tốt hoàn toàn là mốt”. Klemperer đã chuyển soạn bản Giao hưởng số 2 của nhà soạn nhạc cho piano độc tấu và dành tặng Mahler (ngày nay bản thảo đã bị thất lạc). Nhận ra tài năng của chàng trai trẻ, Mahler đã viết lời giới thiệu ngắn Klemperer trên một tấm bưu thiếp nhỏ vào năm 1907: “Mahler giới thiệu quý ông Klemperer là một nhạc sĩ xuất sắc, người tuy còn trẻ nhưng đã rất dày dặn kinh nghiệm và số phận được định trước sẽ là một nhạc trưởng. Ông ấy bảo đảm cho thành công của bất kỳ cuộc hẹn thử việc nào và sẵn sàng cung cấp thêm thông tin cá nhân”. Klemperer trân trọng giữ gìn tấm thiếp cho đến cuối đời. Với sự cam kết của Mahler, Klemperer đã có được công việc chính thức đầu tiên trong sự nghiệp của mình, trở thành chỉ huy hợp xướng và trợ lý nhạc trưởng của New German Theatre, Prague vào năm 1907. Trước đó, tháng 5/1906, lần đầu tiên Klemperer xuất hiện với tư cách nhạc trưởng khi ông chỉ huy vở opera Orphée aux enfers (Jacques Offenbach) tại New Theatre, Berlin, thay thế cho Fried.

Rời Prague năm 1910, Klemperer tiếp tục công việc trợ lý nhạc trưởng tại Hamburg State Opera, nơi ông có cơ hội cộng tác với các soprano hàng đầu như Lotte Lehmann hay Elisabeth Schumann. Năm 1912, ông chính thức trở thành nhạc trưởng tại Barmen, Đức trước khi chuyển đến Strasbourg Opera vào năm 1914, một nhà hát lớn hơn nhiều để làm trợ lý cho người thầy giáo cũ Pfitzner. Từ năm 1917-1924, Klemperer trở thành nhạc trưởng chính tại Cologne Opera, nơi ông kết hôn với Johanna Geisler, soprano của nhà hát vào năm 1919. Geisler là một tín đồ Cơ đốc giáo và Klemperer đã cải đạo theo vợ mình. Năm 1923, Klemperer từ chối cơ hội trở thành giám đốc của Berlin State Opera, một trong những nhà hát danh giá nhất nước Đức vì ông không tin mình sẽ được trao đầy đủ quyền hạn nghệ thuật đối với các tác phẩm. Thay vào đó, năm 1924, Klemperer đến làm việc tại Prussian State Theatre, Wiesbaden, một nhà hát nhỏ hơn nhưng ông có quyền kiểm soát các hoạt động. Tại đây, kịch mục của ông khá đa dạng, từ những vở opera kinh điển cho đến những tác phẩm mới, mang tính cách tân táo bạo như Elektra (Richard Strauss). Klemperer làm việc ở đây cho đến năm 1927 và sau này, ông đánh giá rằng đó là khoảng thời gian bổ ích và mãn nguyện, là giai đoạn hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của mình. Ngày 24/1/1926, Klemperer lần đầu tiên ra mắt khán giả Mĩ khi ông chỉ huy New York Philharmonic, mở ra một sự gắn bó lâu dài sau đó.

Năm 1927, chính quyền Berlin quyết định thành lập một đoàn opera, hướng trọng tâm đến các tác phẩm mới, với tên gọi là Staatsoper am Platz der Republik, hay thường được biết đến với tên gọi Koll Opera. Leo Kestenberg, người đứng đầu bộ Văn hoá Phổ đã đề nghị Klemperer làm giám đốc đầu tiên. Ông đã nhận lời với yêu cầu được chỉ huy thêm các buổi hoà nhạc tại nhà hát cũng như quyền lựa chọn các chuyên gia sân khấu. Hayworth đánh giá sự hợp tác này “có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của ông và việc phát triển opera trong nửa đầu thế kỉ 20”. Tại nhiệm kỳ của mình tại đây, Klemperer đã nỗ lực rất nhiều trong việc giới thiệu âm nhạc của những nhà soạn nhạc đương đại như Igor Stravinsky, Arnold Schoenberg, Paul Hidemith hay Leoš Janáček. Các chương trình của Klemperer thường gây chia rẽ trong giới phê bình với một bên ca ngợi những cách tân như một luồng gió mới và ngược lại, số khác lại chê bai khi phá bỏ những khuôn mẫu truyền thống. Ngày 20/11/1929, Klemperer lần đầu tiên chỉ huy London Symphony Orchestra và được tán thưởng nhiệt liệt. Kroll Opera đóng cửa vào năm 1931, với lý do khủng hoảng tài chính. Nhưng ở sâu bên trong, đó là động cơ chính trị với chủ nghĩa bài Do Thái đang nổ ra, Klemperer phải ra đi. Theo như hợp đồng đã ký kết, Klemperer phải chuyển đến làm việc tại Berlin State Opera, nơi đang có sự hiện diện của Bruno Walter, Wilhelm Furtwängler và Leo Blech. Vì vậy, ông không có nhiều cơ hội được biểu diễn. Klemperer sống vất vưởng tại đây cho đến năm tháng 4/1933, khi chủ nghĩa phát xít bùng nổ tại Đức, bất chấp việc đã cải đạo, nguồn gốc Do Thái buộc ông và gia đình phải chạy trốn đến Thuỵ Sĩ.

Không có nhiều cơ hội việc làm tại Thuỵ Sĩ, chính vì vậy, khi được William Andrews Clark, nhà sáng lập của Los Angeles Philharmonic mời làm giám đốc dàn nhạc vào năm 1935 để thay thế cho Artur Rodziński, Klemperer đã nhận lời. Thời điểm này, Los Angeles Philharmonic chưa phải dàn nhạc hàng đầu nước Mĩ và đang gặp phải khó khăn về tài chính dẫn đến việc thu nhập của Klemperer thấp hơn ông mong muốn. Tuy nhiên, Klemperer đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng trong các buổi biểu diễn, cố gắng thu hút khán giả bằng nhiều tác phẩm đương đại, qua đó khiến bản thân và Los Angeles Philharmonic trở nên nổi tiếng hơn. Đầu mùa diễn 1935-1936, New York Philharmonic mời Klemperer chỉ huy mười bốn tuần lễ đầu tiên thay cho Arturo Toscanini đang ở châu Âu. Bất chấp những lời can ngăn rằng âm nhạc của Mahler rất khó tạo ra sự hào hứng đối với khán giả, ông vẫn quyết định chơi bản Giao hưởng số 2 của thần tượng. Oscar Thompson nhận xét trên Musical America rằng đó là màn trình diễn tuyệt vời nhất kể từ sau khi Mahler chỉ huy tác phẩm vào năm 1906. Nhưng đúng như dự đoán, doanh thu phòng vé giảm sút rõ rệt. Và khi Toscanini chia tay New York Philharmonic vào năm 1936, sự kiện “bản giao hưởng của Mahler” khiến dàn nhạc đã lựa chọn John Barbirolli thay vì Klemperer, điều khiến ông hết sức giận dữ. Cùng với công việc tại Los Angeles Philharmonic, Klemperer còn được mời làm nhạc trưởng khách mời tại San Francisco Symphony. Sau những màn trình diễn của ông tại đây, San Francisco Chronicle đã đánh giá Klemperer là một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất thế giới, bên cạnh Furtwängler, Walter and Toscanini. Đầu năm 1938, ban lãnh đạo của Pittsburgh Symphony Orchestra tiếp cận Klemperer với mong muốn ông tái cấu trúc dàn nhạc. Kết quả thành công ngoài mong đợi, Klemperer được đề nghị một mức lương cao để trở thành giám đốc dàn nhạc nhưng ông vẫn còn hợp đồng với Los Angeles Philharmonic và không thể đảm đương cương vị ở cả hai nơi nên cuối cùng Fritz Reiner là người được lựa chọn.

Năm 1939, Klemperer được chẩn đoán có một khối u trong não, có nguy cơ gây tử vong. Cuộc phẫu thuật đã được thực hiện, Klemperer bị liệt gần một nửa người bên phải đồng thời mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực. Ông bị đưa vào viện tâm thần ở Rye, New York để chữa trị. Năm 1941, ông trốn khỏi viện khiến cảnh sát để huy động để tìm kiếm với cảnh báo “nguy hiểm và mất trí”. Hai ngày sau, Klemperer được tìm thấy ở Morristown, New Jersey trong tình trạng tỉnh táo. Các bác sĩ đã khám lại kỹ lưỡng và kết luận ông đã trở lại bình thường. Khoảng thời gian sau đó không mấy sáng sủa với Klemperer, Los Angeles Philharmonic đã huỷ hợp đồng với ông và ông hiếm khi được biểu diễn, nếu có thì cũng chỉ là với những dàn nhạc không mấy danh tiếng. Kể từ giai đoạn này, khi chỉ huy, ông đều phải ngồi trên một chiếc ghế, sau này là một chiếc xe lăn. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, sức khoẻ của Klemperer đã hồi phục đáng kể. Năm 1946, ông trở về châu Âu thực hiện một chuyến lưu diễn. Điểm dừng chân đầu tiên là tại Stockholm, nơi Klemperer đã gặp nhà âm nhạc học Aladár Tóth, chồng của Annie Fischer, lúc này đang là tổng giám đốc của Hungarian State Opera. Tóth đã mời Klemprerer làm giám đốc âm nhạc của nhà hát. Tại đây, Klemperer đã cơ hội để thoả sức sáng tạo, chỉ huy trong rất nhiều vở opera cũng như các chương trình hoà nhạc. Tuy nhiên, năm 1950, ông đã chia tay nhà hát vì không đồng ý với cách nhà cầm quyền can thiệp vào công việc của mình.

Kể từ lúc này, Klemperer trở thành một “gã du mục”, không gắn bó chặt chẽ với một dàn nhạc nào mà hành nghề tự do trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn mà tên tuổi của ông bắt đầu nổi tiếng trở lại thì Klemperer lại gặp phải một tai nạn nghiêm trọng. Tại sân bay Montreal vào năm 1951, ông trượt chân trên băng, ngã và gãy xương hông. Klemperer phải nằm điều trị trong vòng tám tháng. Sau khi ra viện, ông quyết định định cư tại Zürich. Chính trong giai đoạn này, Philharmonia Orchestra, dàn nhạc được coi là xuất sắc nhất nước Anh vào thời điểm đó, mà Klemperer đã chỉ huy lần đầu vào tháng 3/1948 muốn tìm kiếm một nhạc trưởng có khả năng gắn bó lâu dài, trong bối cảnh mà Herbert von Karajan trở về Berlin Philharmonic để tiếp quản vị trí mà Furtwängler để lại. Nhà sáng lập dàn nhạc, ông bầu quyền lực Walter Legge đã tìm đến với Klemperer, người được cả thành viên dàn nhạc, nhà phê bình và khán giả cùng ngưỡng mộ. Legge cũng đồng thời là thành viên cấp cao của hãng thu âm EMI vì vậy Philharmonia Orchestra thường tổ chức thu âm và biểu diễn cùng một chương trình để giảm bớt chi phí. Điều này đặc biệt phù hợp với Klemperer, người hoàn toàn không thích thu âm nhưng luôn muốn có nhiều thời gian để dàn dựng tác phẩm. Tháng 8/1958, ông lại gặp phải một chấn thương nặng. Hút thuốc lá trên giường ngủ, tàn thuốc rơi xuống gây cháy và Klemprer nỗ lực dập lửa bằng một chai rượu mạnh, khiến ông bị bỏng nặng, đe doạ đến tính mạng. Gần một năm sau, tháng 9/1959, Klemperer mới bình phục. Ngay lập tức, Legge đã bổ nhiệm ông làm nhạc trưởng suốt đời của Philharmonia Orchestra. Tài năng của Klemperer đã khiến Legge phải từ bỏ chính sách không tuyển giám đốc cố định cho dàn nhạc. Đó là một sự gắn bó lâu dài và hạnh phúc, Klemperer nhận xét về các nhạc công: “Họ đều là những người chơi và độc giả tuyệt vời và thái độ tốt của họ tại các buổi tập luôn là một niềm vui. Họ rõ ràng không phải là những người làm công”.

Không quan tâm đến mọi thứ, ngoại trừ hình dáng của một câu nhạc và cấu trúc của một bản nhạc. trong suốt cuộc đời mình, Klemperer đại diện cho trường phái nhạc trưởng Đức một cách nghiêm ngặt và nguyên khối, trung thực, tỉ mỉ và ít phô trương nhất có thể. Nhưng để đạt được điều đó, nền tảng trí tuệ của Klemperer đồ sộ đủ để bao quát toàn bộ nền tri thức của thế giới phương Tây như Wieland Wagner từng nhận xét: “Hy Lạp cổ điển, truyền thống Do Thái, Cơ đốc giáo thời Trung cổ, Chủ nghĩa Lãng mạn Đức, Chủ nghĩa Hiện thực của thời đại chúng ta khiến nhạc trưởng Klemperer trở thành một hiện tượng nghệ thuật độc đáo”. Luôn để bè violin 2 ở bên tay phải mình, Klemperer giải thích: “Họ đóng một vai trò lớn trong âm nhạc giao hưởng. Họ rất hiếm khi chơi đồng âm với bè violin 1 và do đó phải độc lập. Mặt khác, tôi nghĩ điều quan trọng là cello và double bass phải ở cùng nhau, thay vì tách xa hết mức có thể’”. Một trong những điểm không thể nhầm lẫn của Klemperer là sự ăn khớp của dàn dây: “Điều quan trọng nhất đối với một nhạc trưởng là chỉ ra các dấu kéo vĩ và động lực mà anh ta muốn trong các bè. Tôi làm điều này trong tổng phổ của mình và sau đó thủ thư của Philharmonia Orchestra chuyển những thứ này cho tất cả các bè”. Về thói quen chỉ huy của mình, Klemperer cho biết: “Điều rất quan trọng là luôn quan sát các khoảng dừng, để giữ cho nhịp điệu chính xác của mỗi câu nhạc. Điều này giống như hơi thở đối với con người và bạn phải để âm nhạc thở khi nó yêu cầu, không chỉ khi nó thở hổn hển những làn hơi cuối cùng… Tôi cho rằng mọi thứ trừ lần ăn khớp cuối cùng nên đạt được trong buổi tập cuối cùng và nhạc trưởng phải gây ảnh hưởng tới các nhạc công đến mức họ không nhận ra. Và tôi luôn nói rằng dàn nhạc tạo ra âm nhạc chứ không phải nhạc trưởng. Việc đánh nhịp phải nhẹ nhàng và thư thái. Quá nhiều sự biểu hiện từ phía nhạc trưởng chỉ mang đến sự cuồng nhiệt. Tất nhiên, tại buổi biểu diễn, tất cả chúng ta đều ở trên biển trong một chiếc thuyền nhỏ và một tai nạn nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng nó”.

Trong những năm gắn bó với Philharmonia Orchestra, Klemperer thường xuyên chỉ huy các tác phẩm gắn bó với truyền thống Đức-Áo trải dài từ Bach cho đến Richard Strauss mà trung tâm và vương miện chính là Beethoven. Nhiều người không đồng ý cách Klemperer diễn giải âm nhạc của Wolfgang Amadeus Mozart, thiếu sự hào hoa, hài hước mà nghiêm khắc và quá mức đĩnh đạc, thiếu đi sự hấp dẫn. Nhưng với Beethoven, Klemperer được đánh giá là mẫu mực với rất nhiều lời tán dương như Alan Civil, nghệ sĩ horn của Philharmonia Orchestra đã nhận xét: “Klemperer đưa ra ánh sáng mới cho Beethoven và tôi thấy trọn bộ các bản giao hưởng Beethoven của ông ấy thật tuyệt vời. Ý tôi là, tôi không muốn chơi Beethoven với bất kỳ nhạc trưởng nào khác”. Trong những năm cuối đời, Klemperer trở về với đức tin Do Thái của mình. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ nhà nước Israel và nhập quốc tịch nước này vào năm 1970. Càng về già, sức khoẻ của Klemperer ngày một giảm sút. Ông mất đi khả năng tập trung và kiểm soát dàn nhạc, thính lực và thị giác cũng không thể theo kịp sự đòi hỏi của một buổi hoà nhạc. Buổi biểu diễn cuối cùng của Klemperer diễn ra vào ngày 26/9/1971 tại Festival Hall, London cùng Philharmonia Orchestra (lúc bấy giờ được đổi tên thành New Philharmonia Orchestra). Hai ngày sau đó là bản thu âm cuối cùng. Klemperer qua đời trong giấc ngủ vào ngày 6/7/1973 ở tuổi 88. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Do Thái, Friesenberg, Zürich.

Với vóc dáng cao lớn trên 1m8, gương mặt lúc nào cũng cau có với chiếc mũi diều hâu, luôn mong đợi tối đa sự nỗ lực của các nhạc công và hiếm khi khen ngợi bất kỳ ai, Klemperer luôn khiến họ phải sợ hãi. Nhưng với sự nhạy cảm đáng ngạc nhiên về âm nhạc, có thể chiếu sáng mọi chi tiết cũng như tổng thể toàn bộ tác phẩm, Klemperer luôn biết cách tạo ra những hình khối tuyệt đẹp, đặc trưng không thể nhầm lẫn. Sự qua đời của Klemperer cũng là sự kết thúc của một thế hệ như nhà phê bình âm nhạc Joseph McLellan đã viết khi ông qua đời: “Thời đại của những người khổng lồ đã kết thúc… Tất cả họ đều đã ra đi: Toscanini, Walter, Furtwängler, Beecham, Szell, Reiner và bây giờ là Klemperer”.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
latimes.com
nytimes.com
mahlerfoundation.org