Nói đến tượng đài ở Việt Nam thì phải nói là nhiều, cao, to, nặng tính tuyên truyền nhưng có một số lại thiếu yếu tố về nghệ thuật, tính thẩm mỹ. Trớ trêu thay, tượng đài đầy trò “bòn rút” của các bên! Xã, huyện, tỉnh đua nhau xây cất từ tượng lãnh tụ qua đến tượng ngành; tượng đài cá nhân hy sinh đến tượng đài chiến thắng … Trong khi đó, trường học, cầu đường, bệnh viện, trạm xá, trên địa bàn chưa được đầu tư để giảm bớt khó khăn cho dân.

‘Thiên thần chết chóc đen’ và Mẹ Tổ quốc   

Đua nhau xây cất tượng đài!

Có xây tượng đài mới có cái mà cất, người ta gọi là … xây cất! Có xây tượng đài mới có cơ hội bòn rút. Cứ nói “xã hội hóa mãi”. Xã hội hóa gì cũng tiền từ các công ty, tiền mồ hôi, nước mắt của công nhân lao động đóng góp.

Từng có ngài lãnh đạo của 1 tỉnh nghèo ở phía Bắc cứ nằng nặc xin kinh phí xây tượng đài cho nhân dân nhìn ngắm. Nhìn ngắm sẽ quên đi khó khăn do thiếu ăn, đói rách!? Thiệt là hết chỗ nói! Ai đời tỉnh trong nhóm nghèo nhất nước như Sơn La cũng xây tượng đài siêu khủng gắn với quảng trường 1,400 tỷ đồng … nhằm đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc và nhân dân các dân tộc nói chung đối với lãnh tụ! Các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Nông … cũng “hăng hái” xây tượng đài tiền tỷ. Huyện nghèo nhất nước như huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam, tiết kiệm mỗi năm ít tỷ đồng để dồn lại mà xây tượng đài chiến thắng 14 tỷ đồng! Xây 3 năm vẫn chưa xong, gạch đá còn ngổn ngang, dân tình ngán ngẩm. Huyện Vĩnh Thạnh, một trong 3 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, cũng xây tượng đài gần 50 tỷ đồng …

Xem thêm:   Tản mạn chuyện xe kéo

Cả nước có gần … kính thưa 400 cái thể loại tượng đài to, nhỏ. Nó không khác chi mảnh đất màu mỡ cho nhiều quan tham … canh tác. Hội chứng tượng đài lan rộng, địa phương nào cũng xây tượng đài để giáo dục, tự hào và nhắc nhở con cháu sau này hãy… trả giùm nợ vay cho ông cha đã … vung tay quá trán!?

Tượng đài Lê-nin ở Hà Nội

Không có cái ăn nào dễ hơn bòn rút từ tượng đài, tượng đài “chiến thắng Điện Biên Phủ” bằng đồng thau là một điển hình của tệ bòn rút công trình, và một số cán bộ liên quan đã bị hốt!

Do bòn rút mà tượng đài mới dựng lên chưa được bao lâu đã lở nền, nứt móng … Sau một cơn mưa lớn kèm sấm sét, tượng đài văn hóa ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh …lòi ra phẩm chất công trình dỏm!

Cũng vì tượng đài, cổng chào hoành tráng mà lắm cán bộ đi … chăn kiến. Thế nhưng vẫn không kinh! Có vài đại biểu quốc hội phát biểu trong nghị trường là xin thôi đua nhau xây tượng đài, tập trung vốn cho các công trình thiết yếu hơn.

Một lần theo ba tôi ra Hà Nội, đi ngang qua công viên thấy tượng Lê-nin. Tôi ghé vào chụp 1 tấm hình. Chợt liên tưởng mấy câu thơ trong dân gian một thời trào lộng: “Ông Lê-nin ở nước Nga. Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này? Ông vạch áo, ông khuỳnh tay. Chủ nghĩa xã hội nước mày còn lâu!”. Tôi cũng … tức khí mần mấy câu… thuơ “đáp lễ”: “ Ông Lê-nin ở nước ngoài. Sao ông lại cứ đứng hoài ở đây? Tau thương đất nước chúng mày. Nên tau đứng trực cả ngày lẫn đêm!”. Thấy chưa sướng, tôi mần tiếp bài nữa cho…có hậu: “Ông Lê-nin ở nước ngoài. Sao ông lại cứ đứng hoài ở đây? Tau thương đất nước chúng mày. Cho nên tau đứng đêm ngày mệt ghê! Khi nào ông mới chịu về? Chứ đứng suốt thế nhức tê cặp giò. Cảm ơn mầy có lòng lo. Tau đi hay ở là do nước mày!”. Hết thuơ!

Katyn Pieta – Mẹ Tổ quốc và con trai bị bắn sau đầu

Bất chợt… tượng đài

Xem thêm:   Phu nhân một vị Tướng (kỳ 2)

Một sáng cuối tháng 9/2023, chúng tôi ghé vào Công viên Juliusz Slowacki (thành phố Breslau, Cộng hòa Ba Lan), bất chợt thấy 1 đài tưởng niệm rất đơn giản. Đài tưởng niệm vụ thảm sát gần 22 nghìn binh sĩ Ba Lan tại khu rừng Katyn, vào năm 1940, trên lãnh thổ Liên Xô. Trên bệ chính của Đài tưởng niệm có tượng “Thiên thần chết chóc đen” dang rộng đôi cánh, 2 tay chống một thanh kiếm có ngôi sao NKVD (chữ viết tắt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, đơn vị trực tiếp thi hành quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô trong lĩnh vực an ninh, tình báo) trên chuôi kiếm. Dưới có tấm bảng ghi “Mùa Xuân năm 1940, theo lệnh của Stalin, 22 nghìn sĩ quan, cảnh sát Ba Lan và các tù nhân khác từ các trại Kozielsk, Ostaszkow và Starobielsk đã bị sát hại bằng một phát đạn vào sau đầu ở Katyn, Miednoye, Kharkov và ở những nơi không xác định của Liên Xô cũ. Để tưởng nhớ những người bị sát hại, tượng đài này được đồng bào thành lập theo sáng kiến của Hiệp hội “Gia đình Katyn Hạ Silesian”. Wroclaw, năm 1999”. Phía trước thiên thần, ở phía dưới, chính giữa tượng bằng đồng “Katyn Pieta-Mẹ Tổ quốc” với ánh mắt đau khổ tột cùng của bà trước thi thể đứa con trai 2 tay bị trói ngoặt ra sau, bị bắn vào đầu. Ngày 22/9/2000, Lễ khánh thành Đài tưởng niệm được tổ chức trước sự chứng kiến của gia đình những người bị sát hại và chính quyền Breslau, đại diện quân đội, cảnh sát, các cựu chiến binh Ba Lan.

Xem thêm:   Cánh cửa thứ nhất

Tượng đài đơn sơ, nhỏ bé nhưng lại có giá trị tố cáo tội ác của Stalin lại rất lớn.

Đầu tháng 8/2023, chúng tôi đến Hamburg, CHLB Đức. Một buổi sáng đi dạo tại khu vực cầu cảng Hamburg. Cũng bất chợt thấy có 1 tượng đài bằng đồng dựng trên cột đá hoa cương rất khiêm tốn. Tượng đài chỉ là 2 trang sách trong một cuốn sách dày mở ra có nội dung ghi bằng chữ nổi với 3 thứ tiếng là Đức, Anh và Việt. Nội dung là lời tri ân người đã cứu vớt 11,300 thuyền nhân Việt Nam. “TRI  ÂN. Tri ân nhân dân, chính quyền nước Đức, chính quyền tiểu bang Hamburg, nơi xuất phát của các con tàu Cap Anamur, đã tiếp nhận người Việt tỵ nạn cộng sản. Tri ân Ủy ban Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập, đã cứu vớt 11,300 thuyền nhân Việt Nam. Tưởng niệm các đồng hương tị nạn cộng sản đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do. Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ngày 11 tháng 9 năm 2009”. Năm 1979, nhà báo, TS Rupert Neudeck đã lập ủy ban cứu người tỵ nạn là thuyền nhân Việt Nam, thuê tàu hàng đổi tên thành Cap Anamur đi cứu người trên biển… 3 chiếc tàu từ tháng 9/1979 đến tháng 7/1987 đã cứu được trên 11,300 thuyền nhân.

Hôm 12/9/2009, khánh thành tượng đài TRI  ÂN, đông đảo bà con người Việt đến dự cùng có mặt hàng chục nhân vật, quan chức cao cấp của nước Đức, có cả Bộ trưởng gốc Việt, TS Philipp Roesler của tiểu bang Niedersachsen, sau này, năm 2011-2013, là Phó Thủ tướng CHLB Đức…

2 tượng đài vừa kể trên được xây dựng bằng tiền của các tổ chức hiệp hội, cá nhân đóng góp thì ý nghĩa còn có giá trị cao hơn. Tượng đài nhỏ thôi, nội dung giản dị nhưng đậm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái của những người tạc dựng.

Bài & hình NKYL

(CHLB Đức)