Một góc tối trống trơn - Báo văn nghệ Việt Nam
May 30, 2024, 8:39 pm

Một góc tối trống trơn

Olga Zilberbourg (sinh năm 1979) là một nhà văn song ngữ Nga-Mỹ, sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Nga. Cô sinh ra tại Saint Petersburg, Nga, trong một gia đình trí thức Do Thái - Nga, sau đó di cư sang Mỹ. Cô đã xuất bản ba tập truyện ở Nga, một số trong số đó được tác giả tự dịch từ tiếng Anh. Like Water là tập truyện đầu tay bằng tiếng Anh của cô, ra mắt vào năm 2019. Theo nhà phê bình Anna Kasradze, “dòng chảy kết nối các câu chuyện trong Like Water là nỗ lực của mỗi nhân vật chính để hòa nhập với một bản sắc luôn thay đổi, chuyển đổi giữa các bối cảnh khác nhau như di cư, làm mẹ, quan hệ đối tác và công việc.” Tạp chí Los Angeles Review of Books nhận xét những câu chữ của cô khiến người đọc nhớ rằng giấc mơ hòa nhập trước tiên là một tưởng tượng, sau đó là một chiến thắng, trước khi nó - cuối cùng - trở thành một mất mát. Zilberbourg hiện sống ở San Francisco và điều phối Xưởng viết văn San Francisco, cô cũng đóng góp các bài luận và tiểu luận về văn hóa cho các tạp chí nổi tiếng của Mỹ. Văn nghệ xin giới thiệu truyện ngắn của Olga Zilberbourg.

Vào một tối thứ Năm nào đó trong tháng Sáu, Chúa đã xuất hiện khi Peggy và Winston đang hoạt động tình nguyện tại Trung tâm Lịch sử Gia đình. Ngài đi lang thang quanh tòa nhà phía sau bãi đỗ xe của Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau và từ một góc tối, nơi dành cho việc nghiên cứu vi phim, Ngài đã thầm nghe cuộc trò chuyện của Peggy và Winston.

Trong năm học, khi các cháu còn quanh quẩn bên mình, Winston hoạt động tình nguyện vào buổi sáng, đây là buổi tối đầu tiên ông trực tại trung tâm. Trong hai năm chuyển về thị trấn này kể từ khi nghỉ hưu, Winston và Peggy đã để mắt đến nhau tại nhà thờ và trong các cuộc họp nhóm nhưng họ chưa bao giờ ngồi với nhau ở một khoảng cách gần như lúc này.

Cả hai đều có cảm giác Chúa đang dõi theo từng hành động của mình và đẩy họ lại gần nhau. Có một không khí khẩn trương trong căn phòng, mặc dù mới tám giờ tối, hai tiếng nữa mới đến giờ đóng cửa, và chỉ còn duy nhất một nhà nghiên cứu phả hệ nghiệp dư vẫn ở lại, chậm rãi cuộn qua hàng dặm cuốn phim để tìm kiếm hình ảnh về tổ tiên của mình.

“Ông có muốn uống sôcôla nóng không? Tôi đang định pha một chút,” Peggy nói với Winston. Họ ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn hình bầu dục ở giữa phòng. Winston đang ngồi trước máy tính, xử lí các yêu cầu thông tin qua email, còn Peggy đang điền vào các mẫu đơn xin vay tiền và tô lịch trực tình nguyện cho tháng tới.

“Không, cảm ơn bà. Thực ra tôi không thích sôcôla lắm.”

“Ông thật may mắn! Đối với tôi, một trong những điều khó khăn nhất khi tham gia Giáo hội là phải từ bỏ tất cả những thứ đó, trà, cà phê, ông biết đấy.”

“Những thói quen cả đời thì khó bỏ lắm. Tôi đã thử uống mấy thứ đó rồi, nhưng chúng chưa bao giờ hấp dẫn tôi cả.”

“Ông nói làm tôi nhớ đến mẹ, khi bà ấy đang hấp hối. Tôi đã mang cho bà một tách cà phê, nhưng bà từ chối, bà nói rằng bà chưa bao giờ thực sự thích mùi vị của nó. Một người phụ nữ mà trong suốt cuộc đời mình, công việc đầu tiên mỗi sáng thức dậy là pha một bình cà phê! Bà đã luôn pha cà phê cho bố tôi trong khi bản thân thì không bao giờ uống. Thật khó tin phải không?”

“Những người không có đức tin thì luôn chọn tin vào những điều kì lạ.”

Peggy mất mẹ ba năm trước, còn Winston không chỉ sống lâu hơn bố mẹ mình mà đã chôn cất vợ từ hơn một thập kỉ trước. Giờ đây, Peggy ở tuổi bảy mươi ba và Winston ở tuổi tám mươi mốt chắc chắn sẽ là những người tiếp theo, nhưng cả hai đều đang khỏe mạnh và vẫn nỗ lực duy trì tình trạng đó. Winston đạp xe để tập thể dục còn Peggy thì ăn ít nhất một quả táo mỗi ngày, bà cắt thành từng miếng và cho vào túi xách, trong một túi nhựa, để ăn vặt cả ngày. Cả hai đều đi nhà thờ thường xuyên, Winston cả đời là tín đồ Mặc Môn còn Peggy đã cải đạo sau cuộc li hôn cay đắng cách đây mười lăm năm. Tuy nhiên, đức tin không giúp cho suy nghĩ về cái chết trở nên dễ chịu hay thậm chí là dễ chấp nhận hơn. Thay vì nghĩ đến việc sẽ được gặp Chúa, Peggy luôn ngoan cố quay trở lại kí ức bên giường bệnh của mẹ bà cùng hình ảnh đôi mắt trũng sâu và đôi tay bất động trên tấm ga giường. Winston tin rằng gia đình là mãi mãi, rằng nếu ông dũng cảm trong sự mộ đạo với Giáo hội, sau khi chết ông sẽ được đoàn tụ với tất cả những người ông yêu thương. Nhưng hiện tại, vợ ông đã mất, Winston phải sống một mình và ông rất thích điều đó; ông cảm thấy mình như một cậu học sinh đang bắt đầu vào kì nghỉ hè.

“Bà nghe cái này xem,” Winston nói. “Ở đây, có người nghĩ họ có họ hàng với Boleslaw the Brave, vị vua đầu tiên của Ba Lan.”

“Ai cũng có họ hàng với Charlemagne cả, nhưng Boleslaw ư? Một cái tên lạ lùng!”

“Có lẽ chúng ta có thể dùng ông ta cho cuộc thi đố vui của mình.” Peggy gạt các tờ đơn đăng kí sang một bên và với lấy chiếc laptop. Bà đặt màn hình sao cho chạm vào mặt sau của màn hình máy tính Winston đang dùng, rồi mở Wikipedia. “Boleslaw the Brave,” bà đọc, “sinh năm 967 sau Công nguyên, một trong những vị vua hùng mạnh nhất ở Đông Âu, đã mang đạo Cơ Đốc đến nước Phổ.”

“Vậy là một người tốt à?”

“Tôi chưa bao giờ tự hỏi nước Phổ là nước nào.”

Tòa nhà nơi có Trung tâm Lịch sử Gia đình không có gì đặc biệt: chỉ có một phòng duy nhất, được chia thành các khu nghiên cứu mở, một góc nhỏ kê vài kệ sách tham khảo có ngăn xếp những cuộn vi phim, và một khu vực tối đặt vài máy xem vi phim, nơi vị khách duy nhất còn lại của họ, tối đó đang nghiên cứu các ghi chép cũ. Chiếc bàn gỗ ở giữa phòng, nơi Peggy và Winston đang ngồi, được thắp sáng bởi hai chiếc đèn bàn và ánh sáng hắt ra từ màn hình máy tính của họ. Đèn trên cao đã tắt - Peggy thích như vậy. Bà cho rằng đèn trên cao quá sáng khiến không gian trông giống phòng cấp cứu hơn.

Những yêu cầu thông tin mà Winston đang xử lí hoàn toàn đơn giản. Vào thứ Bảy, trung tâm mở cửa đến mấy giờ? Tôi có thể đăng kí lớp tập đọc văn bản tiếng Goth, mặc dù trang web thông báo lớp học đã kín chỗ không? Chuyên gia về lịch sử gia đình nước Anh là ai, và khi nào tôi có thể gặp họ? Winston đang trả lời những câu hỏi này với tốc độ chóng mặt.

“Những người Phổ cổ bị chinh phục và hoàn toàn bị đánh bại bởi các Hiệp sĩ Teuton.” Peggy đọc. “Wikipedia rất tuyệt phải không? Nó có câu trả lời cho mọi câu hỏi mà tôi có thể nghĩ ra!”

“Không có gì lạ khi người Phổ bị đánh bại. - Winston nói - Ý tôi là, nếu tôn giáo của họ là ngoại giáo.”

“Nhưng các Hiệp sĩ Teuton, là những người tham vọng. Họ liên minh với thứ gì đó gọi là Liên minh Hanse và thống trị toàn bộ vùng Baltic. Không tệ, phải không?”

“Khi đó, chắc họ chưa có những chuyến du thuyền quanh vùng biển Baltic nhỉ? Ông và tôi nên đi du lịch, thăm thú tất cả những quốc gia đó. Đức, Thụy Điển, ông biết đấy.”

Winston đã đi tuyến đường biển này từ khi còn là một chàng trai trẻ, sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình ở châu Âu. Tại Na Uy, ông đã gặp vợ tương lai của mình, một người mới cải đạo theo Giáo hội, và cầu hôn bà vào đêm trước khi trở về Hoa Kỳ. Những kí ức này quá mờ nhạt, từ lâu chúng đã không còn là kí ức thật mà trở thành truyền thuyết của gia đình, những câu chuyện họ kể cho con cái và cháu chắt trong những ngày lễ. Nhưng những trải nghiệm thực tế của chuyến đi, và đặc biệt những điều bất tiện của nó - cơn gió lạnh ẩm trên boong tàu, mùi chua khó chịu của nước - thì ông lại nhớ rất rõ, và nhận thấy mình đã nghĩ về nó với một khao khát cháy bỏng.

“Bà sẽ thích đi du thuyền. Một ngày tuyệt vời trên tàu có thể khiến bà cảm giác như thể bà sẽ sống mãi.”

Winston nói. Khi được nói ra thành tiếng, suy nghĩ đó nghe có vẻ dị giáo, nhưng sự lãng mạn của ý tưởng lại quá mạnh mẽ mà Winston không muốn từ bỏ.

“Có lẽ, giờ tôi lại muốn uống tách ca cao nóng vừa rồi.”

“Các Hiệp sĩ Teuton vẫn còn tồn tại sao?” Peggy nói. “Tôi muốn trở thành một Hiệp sĩ. Mang đạo Cơ Đốc đến những vùng đất xa xôi, chiến đấu vì chính nghĩa.”

Trước đây, Peggy là một y tá gây mê, làm việc tại các bệnh viện hơn bốn mươi lăm năm trước khi nghỉ hưu. Bà đã quen với cảnh đẫm máu thường ngày của bệnh tật và chết chóc. Bà đã chứng kiến tất cả - đặc biệt, trở lại những năm 1960, khi bà và chồng sống ở Texas, bà là người duy nhất trong ba hạt (đơn vị hành chính tương đương quận) có khả năng thực hiện gây mê trong phẫu thuật. Chăm sóc mẹ những tháng suy yếu dần không khiến bà mệt mỏi về thể chất nhưng Peggy luôn cảm thấy mình chưa sẵn sàng để đối diện với sự rối loạn về cảm xúc, hơn nữa bà lại không thể bày tỏ nỗi sợ hãi và cô đơn của mình với ai. Lúc đó, bà đã li hôn từ lâu, gia đình con cái đều sống ở xa, và trong bất kì trường hợp nào, bà cũng không muốn làm phiền người khác bằng những gánh nặng cảm xúc của mình. Ngay cả trong nhà thờ, bà cũng không thấy thoải mái khi lên tiếng và chia sẻ tâm sự của mình với người khác - bà không muốn nghe như thể mình đang than thở.

“Tôi đói rồi - Winston nói. Ông ngáp và vươn vai, thẳng người trên ghế - Lạ là ai đó có thể ngồi cả ngày chỉ vì đói.”

Một chiếc điện thoại di động reo lên với nhạc chuông mô phỏng kiểu chuông điện thoại bàn ngày xưa. Dù Chúa đang quan sát Peggy và Winston thì những người khác cũng có những ưu tiên của họ. Peggy đảo mắt, tay vẫn lục điện thoại từ đáy túi xách và nhấc máy ở hồi chuông thứ ba. “Vâng, chào ông,” bà nói. Bà nói nhỏ để không làm phiền vị khách ở khu vực xem vi phim nhưng đủ lớn để Winston nghe được từng chữ. Winston cố gắng tạo cho bà một chút riêng tư bằng cách vùi đầu vào máy tính nhưng vẫn tò mò lắng tai nghe. Ông vui mừng khi nghe giọng bà trở nên sắc bén hơn khi nói chuyện với người ở đầu dây bên kia. “Tối nay tôi không thể gặp ông được, tôi đang trực ca tối ở trung tâm. Tôi chưa rõ mình sẽ làm gì vào cuối tuần. Hay để tôi gọi lại cho ông sau?”

Bà cúp máy và cất điện thoại kèm một tiếng thở dài nặng nề. Winston hắng giọng.

“Một ông lão muốn hẹn hò với tôi.” Bà nói.

“Còn bà? Bà có muốn hẹn hò với ông ta không?”

“À thì, tôi chỉ muốn làm bạn thôi. Chuyện này thật phiền phức. Ông ấy muốn đưa tôi đi ăn tối nhưng tôi thà ở nhà và tự nấu ăn cho mình còn hơn. Tôi không thích ra ngoài lắm.”

“Ông ta có theo Giáo hội không?”

“Ông ấy à? Có chứ. Chắc là ông quen. Lũ trẻ nhà tôi cứ cố giới thiệu bạn trai cho tôi, ông tưởng tượng nổi không. Một trong những đứa con gái của tôi thậm chí còn bắt tôi hẹn hò trên mạng. Nó đã lập cho tôi một hồ sơ trên LDS Singles (trang web hẹn hò dành cho tín đồ Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau). Nhưng tôi nghĩ mình đã quá già cho việc đó.”

Thực tế, Peggy không cảm thấy mình già. Nhất là, khi ngồi đối diện với Winston và nhìn thấy một màu đo đỏ đang lan dần ra hai má nhợt nhạt, được cạo sạch râu của ông, bà hoàn toàn không cảm thấy mình già. Bà có thể mười lăm hoặc một trăm tuổi, tuổi tác vật lí không quan trọng, mà là ở chỗ đây là một người đàn ông có tâm hồn dường như hoàn toàn hòa hợp với bà. Winston cũng có cảm giác tương tự - như thể có một sự giao tiếp vượt ra ngoài lời nói đang diễn ra giữa họ, điều mà không bao giờ có thể diễn đạt được bằng những âm thanh phát ra từ miệng họ. Ngôn ngữ loài người, ông nghĩ, không đủ cho sự đồng điệu về tâm hồn.

“Chết thật, tôi đói bụng quá.” Winston nói và vỗ vào bụng mình.

“Sớm nay, tôi tìm thấy một thanh kẹo trong túi xách - Peggy nói - Tôi thường không ăn kẹo bánh và tôi cũng không biết nó ở đâu ra, nhưng nó được gói và dán kín. Ông có muốn ăn không?”

Căn phòng trở nên yên tĩnh, như thể Chúa đang nín thở. Họ có thể nghe thấy tiếng vo vo nhẹ nhàng của những chiếc quạt bên trong máy tính. Tiếng tích tắc của đồng hồ treo phía trên cửa phòng vệ sinh. Thư viện nhỏ không có cửa sổ nhưng những bức tường thì mỏng như giấy và họ có thể nghe thấy tiếng một chiếc xe rời khỏi bãi đậu xe của nhà thờ. Winston nghĩ ông còn nghe thấy cả tiếng cuộn lại của cuốn vi phim trong phòng tối và chợt nhớ ra họ vẫn còn một vị khách ở đó. Peggy liếc nhìn chiếc laptop, nơi trang về các hiệp sĩ Teuton vẫn còn mở.

“Tối nay chúng ta đóng cửa sớm được không?” Peggy nói. Bà cảm thấy tim mình như lạc đi một nhịp rồi lại đập trở lại liên hồi. Bà còn định nắm lấy cổ tay trái của mình để đo nhịp tim.

“Hôm nay, tôi đã trả lời 109 email. Không tệ cho một ca trực tối nhỉ?”

Winston nhanh chóng trả lời. Câu hỏi của Peggy nghe rất giống một lời đề nghị, khiến ông vừa phấn khích vừa hồi hộp. Ông thận trọng hỏi:

 “Bà định sẽ làm gì?”

“Whole Foods vẫn còn mở, ông có thể mua một chiếc sandwich ở đó - hoặc một đĩa salad, họ có những đĩa salad rất ngon. Mặc dù đó là một nơi nguy hiểm. Hôm trước, tôi ghé để mua một ổ bánh mì và thấy họ giảm giá dâu tây tươi. Cuối cùng, tôi đã mua cả một hộp - và tôi sẽ làm gì với một hộp dâu tây cơ chứ?”

“Vậy, bà định làm gì? Ý tôi là, tối nay? Bà có đói không?” Winston hỏi. Cả hai đều không còn làm việc nữa, nhưng họ vẫn dán mắt vào màn hình máy tính một cách an toàn, cả hai đều quá ngại ngùng không dám nhìn nhau. Sự xấu hổ bất ngờ này khiến Peggy hồi hộp và cảm thấy hơi tức ngực. Để che giấu sự bối rối, Peggy đóng laptop lại và nhặt đống giấy tờ dang dở mà bà đã gạt qua trước đó.

“Ồ, tôi không biết. Tôi có một chiếc bánh sandwich đang đợi tôi ở nhà.” Bà nói.

Có lẽ vào chính lúc này, hoặc có thể là vài khoảnh khắc trước đó, khi Winston đang do dự không biết nên hỏi câu gì, thì Chúa đã lặng lẽ bước ra khỏi tòa nhà. Căn phòng lại trở nên yên tĩnh, nhưng sự yên tĩnh này êm đềm hơn, nó cho phép Peggy và Winston điều hòa lại hơi thở. Winston có thể nghe thấy tiếng gầm gừ của dạ dày và ông bắt đầu cảm thấy choáng váng. Ông thường duy trì lịch ăn uống rất đều đặn và đã lâu rồi ông không phải làm việc xuyên bữa tối, vì vậy ông không nghĩ đến việc mang theo đồ ăn nhẹ. Peggy nhớ ra cuộc điện thoại mà bà nợ con gái mình; bà đã định gọi cho con gái tối nay, tại trung tâm, vào một trong những giờ nghỉ của mình. Con gái bà sống ở New York, cách ba múi giờ, và giờ thì đã quá muộn.

“Bà có muốn nói với vị khách kia rằng chúng ta sẽ đóng cửa trước 9 giờ không?” Winston nói.

“Được thôi, nhưng ông nói đi. Tôi ngại lắm!”

“Tôi cũng vậy! Tôi cũng rất ngại.” Winston cười trừ và đứng dậy khỏi ghế. Ông đặt hai tay lên hông, vặn người về phía trước và phía sau, khiến các khớp xương kêu răng rắc. “Trời, cảm giác này thật tuyệt.”

Peggy đứng dậy và làm theo ông, vươn vai, giơ hai tay lên cao rồi lại hạ xuống cố gắng chạm vào các ngón chân. Cùng nhau, họ đi vòng qua cái máy photocopy đến lối vào khu vực đọc phim, và Winston lớn giọng thông báo: “Trung tâm sẽ đóng cửa sau 15 phút - vui lòng dọn dẹp.” Ông dừng lại giữa chừng, bởi cả ông và Peggy đều nhìn thấy tất cả các máy đã tắt, cuộn phim đã được cất đi, và căn phòng trống trơn, như thể chưa bao giờ có ai ở đó.

Olga Zilberbourg

Đan Ngọc

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

Nguồn Văn nghệ số 19/2024