Soi ngôn từ của "thi nhân đọa đày" Taylor Swift - Tuổi Trẻ Online

Soi ngôn từ của "thi nhân đọa đày" Taylor Swift

TRÚC ANH 11/05/2024 03:47 GMT+7

TTCT - Bob Dylan được trao Nobel văn chương thì tại sao không thể mổ xẻ album mới của Taylor Swift dưới góc nhìn ngôn từ?

Ảnh: TAS/Beth Garrabrant

Ảnh: TAS/Beth Garrabrant

Đúng 0h thứ sáu 19-4 theo giờ Mỹ, Taylor Swift chính thức phát hành album phòng thu thứ 11, The Tortured Poets Department (TTPD), có thể dịch là "Hội thi nhân đọa đày". Chỉ sau đó hai tiếng, cô tiếp tục công bố "gói bổ sung" gồm 15 bài hát nữa, làm người hâm mộ nức lòng.

Hai album với 31 bài hát mới - mà thông tin trên mạng xã hội cho rằng có tổng cộng 10.710 từ, dẫu không là gì với tiểu thuyết (bét nhất cũng phải 50.000 từ), nhưng khi Swift vẫn được xem là người viết lời bài hát tài ba, người ta nhanh chóng soi từng con chữ của những ca khúc này (phần nhạc thì tùy gu đánh giá, nhưng một nhận xét phổ biến là bài nào cũng na ná nhau).

Buổi học đặc biệt của lớp Taylor Swift

Gần nửa đêm thứ năm 18-4, khoảng 50 sinh viên tập trung tại một giảng đường trong khuôn viên Đại học Harvard, một số người phục sức như Swiftie (người hâm mộ Taylor Swift cuồng nhiệt) chính hiệu. Đúng khoảnh khắc bước sang ngày mới, họ đồng loạt reo hò, vỗ tay, rồi cùng ngồi nghe cả album TTPD, hoàn toàn tập trung, không thảo luận.

Họ là thành viên lớp "Taylor Swift and Her World," mới mở cuối năm ngoái cho sinh viên bậc đại học ngành tiếng Anh. Đứng lớp là giáo sư Stephanie Burt, người muốn sinh viên văn học và ngôn ngữ xem viết nhạc (songwriting) như một loại hình nghệ thuật riêng biệt - những lời được hát to lên, không như thơ, chỉ được trích dẫn hay đọc thầm. 

Burt thường bắt sinh viên so sánh bài hát của Swift với các tác phẩm văn chương và thơ ca nổi tiếng. Theo tinh thần đó, phân tích album TTPD là đề bài cho bài luận cuối khóa của các sinh viên "vào lớp" lúc nửa đêm nói trên. Hạn chót nộp bài là cuối tháng 4.

Trong một phỏng vấn trực tuyến với New York Times ngay sau buổi học đặc biệt nói trên, nhiều sinh viên cho thấy họ đã biết sẽ phải viết gì trong bài luận của mình. Lola DeAscentiis nói sẽ liên hệ track But Daddy I Love Him với bài thơ Daddy của nữ sĩ Sylvia Plath (1932-1963). Cô sinh viên 20 tuổi nói dù bài hát còn xa với đạt được thi tài của Sylvia Plath, nhưng rõ là có nhiều điểm chung về chủ đề giữa hai tác phẩm - buồn bã, u uất và sức khỏe tinh thần.

Một sinh viên khác, Ana Paulina Serrano, nhớ lại cả lớp vừa học về thể loại thơ tự thú/xưng tội (confessional poetry), và tự hỏi: "Taylor có phải một nhà thơ tự thú hay không?". Bạn cô, Isabel Levin, sinh viên năm cuối ngành sinh học tích hợp, lại chú ý tới ngôn từ mang hơi thở đời sống của Swift và băn khoăn "liệu một số lời bài hát ban đầu thực sự là thơ trước khi được nữ ca sĩ viết thành nhạc hay không".

Beên trong một buổi học của lớp Taylor Swift tại Harvard. Ảnh: Emilie Ikeda/Today Online

Beên trong một buổi học của lớp Taylor Swift tại Harvard. Ảnh: Emilie Ikeda/Today Online

Mỗi người mỗi ý, sinh viên còn có thể tham khảo "bài giảng" của giáo sư Burt: một bài bà viết riêng cho tờ Time, đăng đúng thời điểm TTPD phát hành. Ngoài giảng dạy, Burt còn là nhà thơ và nhà phê bình văn học. Bà chọn viết về chi tiết nhiều người thắc mắc nhất - tortured poet - những nhà thơ bị đọa đày, một điều không xa lạ trong lịch sử thi ca.

Đầu tiên là thi sĩ khổ ải vì ái tình - như nhà thơ La Mã Catullus (84 - 54 TCN) viết trong bài Odi et amo (Hận và yêu), "ta hận và yêu, và điều đó đọa đày thân ta". Hay nhà thơ Ý Francesco Petrarca (1304 - 1374), người được coi là ông tổ của thơ mới châu Âu, viết trong một bản sonnet rằng ái tình vừa bỏng cháy vừa buốt giá, còn Mary Wroth, nữ sĩ cùng thời với Shakespeare, cũng nói tình yêu vừa thiêu đốt vừa đóng băng ta, còn hơn ở địa ngục.

Sau đó là những thi sĩ đọa đày bị chính tài năng thiên bẩm của mình làm khổ. Nhà thơ lãng mạn Anh William Wordsworth (1770 - 1850) viết đầu thế kỷ 19: Thi sĩ chúng tôi khởi đầu bằng tuổi trẻ hân hoan / rồi từ đó kết thúc đời trong điên cuồng và tuyệt vọng. Người Pháp còn gọi những nhà thơ có tài là thi nhân bị nguyền rủa (poète maudit), không phát điên thì cũng nghiện rượu, đời sống khốn đốn.

Theo Burt, bằng cách đặt tên album là "Hội thi nhân đọa đày", Taylor Swift đã trỏ ngược về truyền thống này. Chính Swift viết trên Instagram: "Nước mắt của chúng ta đã thành một thứ mực thánh thần trên trang viết. Khi đã kể xong chuyện buồn của chính mình, nghĩa là ta đã thoát khỏi nó".

Tự nhận mình là "hội chủ hội thi nhân đọa đày", Swift viết thêm vài dòng khi công bố 15 bài hát sau TTPD: "Tôi đã viết rất nhiều thơ đọa đày trong hai năm qua và muốn chia sẻ chúng với mọi người (…) Câu chuyện không còn là của tôi mà là của tất cả các bạn".

Soi từng con chữ

Như với các album trước, các bài hát trong TTPD lập tức bị giới phê bình, báo chí, fan săm soi, phân tích, diễn dịch, như những học giả nghiên cứu văn bản thực thụ. Taylor Swift ngụ ý chuyện gì, đá xéo ai, có nhắc tới thù xưa gì không, có chỗ nào là "điển tích điển cố" từ cuộc đời và tình trường của nàng hay không?

Trang chính thức của Billboard mau chóng có được "13 đoạn lời hay nhất" từ TTPD do giới phê bình bình chọn. Có thể dẫn một ví dụ vừa có chơi chữ, đá xéo vừa tính "lịch sử" trong track ThanK you aIMee: "Tôi viết hàng ngàn bài hát mà cô cho rằng không hay/ Tôi đã dựng nên một di sản mà cô không thể xóa bỏ/ Nhưng khi đếm những vết sẹo, tôi mới nhận ra/ Rằng sẽ không có những điều đó, nếu không có cô".

Từ những chữ cái cố ý viết hoa trong tên bài hát (một chiêu quen thuộc của Taylor Swift), "fan cứng" dễ dàng chỉ ra bài này ám chỉ thẳng mặt Kim Kardashian. Nó cũng chứng tỏ khoảnh khắc đốn ngộ của Swift: từng gay gắt viết về Kim và Kanye West trong Bad Blood, This Is Why We Can't Have Nice Things và Karma, giờ cô lại nói mình thực sự hưởng lợi từ những lùm xùm va chạm với ngôi sao truyền hình thực tế kia. Câu hát là một cú vỗ mặt thâm sâu: cám ơn vì đã đọa đày.

Soi ngôn từ của "thi nhân đọa đày" Taylor Swift- Ảnh 3.

Và còn sự vụ nào và những ai khác được "vinh dự" xuất hiện trong lời ca của Taylor Swift? New York Times soạn luôn danh sách để thính giả khỏi phải chờ lâu (nghe một mạch 31 bài thì tốn trên 2 tiếng): bạn trai sáu năm Joe Alwyn, người tình tin đồn Matty Healy (nhóm The 1975), đương kim bạn trai Travis Kelce, Charlie Puth…

Ca khúc chính, The Tortured Poets Department, nêu một loạt tên: "I laughed in your face and said, 'You're not Dylan Thomas/I'm not Patti Smith/This ain't the Chelsea Hotel/We're modern idiots'". Nữ thi sĩ Patti Smith đã phản hồi trên X: "Tôi xúc động khi được nhắc đến bên cạnh nhà thơ vĩ đại Xứ Wales Dylan Thomas. Cám ơn Taylor".

Khách sạn Chelsea cũng không vô tình xuất hiện trong câu hát: khách sạn 12 tầng ở khu Manhattan (New York) này từng là nơi lưu trú của nhiều văn sĩ, họa sĩ và nhà hoạt động xã hội cuối thế kỷ 19; Dylan Thomas và Patti Smith cũng từng sống tại đó.

Không chỉ sinh viên Taylor Swift and Her World và nhiều lớp về Taylor Swift khác ở những đại học danh tiếng như Stanford, UT Austin, Arizona State, UC Berkeley và Đại học Florida, người ta sẽ còn tiếp tục giải mã lời hát của Taylor Swift. 

Nhưng tất nhiên không phải tất cả là khen. Lindsay Zoladz, cây bút phê bình văn hóa đại chúng của New York Times, cho rằng Taylor Swift cần một biên tập viên cho album mới của mình.

Mặc dù thấy rõ Swift có tình yêu ngôn ngữ rõ ràng và niềm đam mê với cách kết hợp từ ngữ với nhau theo vần điệu qua các bài hát của cô, Zoladz cho rằng thi ca không phải thế, thậm chí cốt lõi của đế chế ca từ mà Swift dựng nên còn ngược với bản chất của loại hình nghệ thuật này: less is more, đại khái là ý tại ngôn ngoại.

Sylvia Plath từng gọi thơ là "kỷ luật chuyên chế," bởi nhà thơ phải "diễn đạt được thật xa và rộng trong một không gian nhỏ bé; nghĩa là phải đốt đi mọi thứ râu ria". Những nhà thơ lớn biết cách cô đọng, hay ít nhất là cách biên tập những gì được viết. 

Với Zoladz, những bài hát của Taylor Swift có thể sẽ còn sắc bén hơn nếu chúng gọn gàng hơn, nhưng tiếc thay "những râu ria rườm rà vẫn ở đó, còn Swift cầm mãi một que diêm không cháy". Nghĩa là chẳng đốt bỏ thứ gì, như Sylvia Plath từng khuyên.

Dẫu sao thì Taylor Swift đã nhanh chóng lập thêm kỷ lục: sau chưa đầy 12 tiếng, bộ đôi album TTPD đã trở thành album được stream nhiều nhất trong một ngày trên Spotify trong năm nay. 

Trên mạng xã hội, từ TikTok đến Reddit, "cảnh sát chính tả" dĩ nhiên không bỏ qua một chia tiết "ngứa mắt" ngay trong tên album: có cần dấu nháy đơn (') để chỉ sở hữu cách giữa Poets và Department không?

"Tôi phá hỏng cơn phấn khích của sinh viên với album này bằng cách biến nó thành bài học về cách dùng dấu nháy đơn" - Erin Weinberg, giảng viên khoa tiếng Anh, sân khấu điện ảnh và truyền thông Đại học Manitoba (Canada), viết trên X. Có hai trường hợp có thể thêm dấu: The Tortured Poet's Department - câu lạc bộ chỉ có một nhà thơ, cô đơn ngồi viết thơ đau khổ; hoặc The Tortured Poets' Department - nơi nhiều thi sĩ đọa đày cùng nhau sáng tác.

Số khác cho rằng khỏi dấu cũng được. Mark Bulik, biên tập viên New York Times, nói ngắn gọn: Department of Veterans Affairs (Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ) có nháy đơn nháy kép gì đâu? Sarah Rutledge, trưởng phòng biên tập tạp chí Slate, kết luận tương tự: không cần nháy, vì poets ở đây có nghĩa mô tả chứ không phải thể hiện sở hữu cho danh từ đi sau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận