Dân Sinh - Một đời thanh bạch chẳng vàng son | Báo Dân Trí
Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm giá, đạo đức cách mạng. Một trong những nét đẹp đó của Người là lối sống giản dị, trong sạch, liêm khiết, gần gũi đời thường. Cuộc đời của Bác luôn là tấm gương sáng cho cán bộ và nhân dân ta học tập và làm theo.

Mong manh áo vải…

Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác chỉ biết lo cho dân, cho nước. Bác hy sinh hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc dân tộc. Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta độc lập, dân tộc ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hai mốt tuổi, tại bến Nhà Rồng, Người lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước. Có người hỏi: “Ở nước ngoài, làm gì để sống?” Bác cười chỉ vào 2 bàn tay. Bác làm đủ việc: Rửa bát, hầu bàn, chụp hình, viết báo…

Trong suốt chặng đường kháng chiến gian khổ, sống kham khổ, thiếu thốn, nhưng ngay cả khi về Thủ đô, Bác vẫn sống giản dị, tiết kiệm. Quần áo của Bác chỉ có vài bộ, may cùng kiểu, sau khi may đều nhuộm cùng màu gụ.

Một đời thanh bạch chẳng vàng son - 1
Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước vì dân (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Khi cổ áo bị sờn, anh em đề nghị thay, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, các chú chịu khó tháo cổ rồi lộn phía trong ra ngoài, may lại vẫn lành như mới”. Đồng chí phục vụ bảo: “Chủ tịch nước ai lại mặc áo vá”. Bác cười bảo: “Có ông Chủ tịch nước mặc áo vá là hạnh phúc cho dân lắm!”.

Bác dùng dép cao su từ trên chiến khu, Bác gọi vui là “đôi hài cao su vạn dặm”. Khi về Hà Nội Bác vẫn dùng dép cao su, nhưng đôi dép của Bác dùng đã lâu, sửa lại nhiều lần, phải đóng đinh giữ cho quai khỏi tuột.

Các đồng chí phục vụ mua cho Bác đôi dép lốp mới, nhưng Bác nói: “Khi nào không sửa được hẵng hay, giờ mua đôi khác không cần thiết vì vẫn dùng được. Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”.

Bữa cơm của Người cũng chỉ giản dị đĩa cá kho, bát canh rau và món mắm quê hương xứ Nghệ. Những bộ quần áo đẹp, những bữa ăn ngon cho Bác không phải không có nhưng Bác kiên quyết từ chối những thứ đó.

Người đã từng răn dạy cán bộ đảng viên rằng: “Ai cũng muốn không những ăn no, mặc ấm mà còn phải được ăn ngon, mặc đẹp. Cả Bác và các chú cũng thế. Chúng ta làm cách mạng là để được hạnh phúc. Nhưng khi nước ta chưa được độc lập, nhân dân ta còn nhiều người nghèo khổ, đói rét bệnh tật, không được học hành, nói gì đến ăn ngon mặc đẹp…

Nếu chỉ biết lo thu vén cho bản thân mình được ăn ở sung sướng trong khi đất nước đang trong cảnh lầm than thì thật đáng xấu hổ”. 

Từ khi đặt chân về nước, nơi địa đầu của Tổ quốc, có suối Lê nin, núi Các Mác, đêm đêm Bác chỉ ngả lưng trên những tấm ván và nơi làm việc: “bàn đá chông chênh… ”.

Cách mạng phát triển, Bác chuyển đến Sơn Dương, Tuyên Quang, ở trong căn lán Nà Lưa, là nơi đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh, chỉ huy tối cao chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị Toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân, Hội nghị toàn khu quyết định thành lập khu giải phóng, nhưng đó là cả “bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”. 

Ngày tiếp quản Thủ đô, từ chiến khu về Hà Nội, Bác không ở phủ Toàn quyền mà dọn đến căn buồng của một người thợ điện, căn buồng thiếu gió và ánh sáng. 4 năm sau Bác mới đồng ý làm một căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ. Một nếp nhà đơn sơ bằng gỗ dổi được dựng lên bên bờ ao.

Tầng dưới để thoáng thả mành tre, Bác làm việc và tiếp khách mùa hè, quanh chiếc bàn lớn có 10 cái ghế gỗ và một chiếc ghế mây, bên cạnh có bể cá cảnh, một bệ xi măng để các cháu vừa múa hát vừa xem cá cảnh mỗi khi vào thăm Bác. Phía trên có hai phòng nhỏ, một phòng làm việc và một phòng ngủ.

Phòng làm việc có một bàn, một ghế, có giá sách và chiếc máy chữ cũ. Phòng nghỉ có chiếc mũ cát bạc màu, chiếc đài bán dẫn cũ, một bình cắm hoa huệ. Nhà báo Bowcset, người Úc, khi thăm nhà Bác đã không kìm được thắc mắc mà hỏi Người: “Văn phòng của Chủ tịch ở đâu?”.

Câu trả lời khiêm tốn và càng kinh ngạc: “Lúc nào trời tối thì ở ngoài hiên, khi nào trời mưa thì ở trong buồng ngủ”.

Xúc động trước sự đơn giản, tiết kiệm của Bác, nhà thơ Cuba Phelix Rodrigêt đã tả lại: “Người chỉ sử dụng những gì tối cần thiết, chứ không phải bất cứ cái gì cần thiết. Chiếc giường, chiếc tủ, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy sức làm việc, chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa”.

Thiếu một đức không thành người  

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “tứ đức”là tư cách của người cách mạng, là nền tảng của đời sống mới. Người khẳng định:

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.

Thiếu một đức, thì không thành người.

Trong đời sống của Bác, chữ liêm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Bác chỉ rõ các hành động bất liêm của các thành phần từ công chức chính quyền, binh sĩ đến dân gian: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư. Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ.

Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng, không ra công đào mương, mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng. Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào. Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình… đều là tham lam, đều là bất liêm.

Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ liêm”.

Trong xã hội đang diễn ra không ít tội phạm và tệ nạn. Nó thâm nhập vào trong Đảng, trong Nhà nước, trong mọi quan hệ xã hội.

Thói đạo đức giả, chủ nghĩa cơ hội, sự liên minh bất chính, bất minh giữa các nhóm lợi ích, hình thành từ một số cán bộ có chức quyền thoái hóa với “các đại gia” làm giàu phi pháp, bất chính, tạo ra sự giàu có bởi bất liêm đang làm tổn hại tới lợi ích của người dân, của xã hội.

Nó đối lập với đạo đức, lương tâm, danh dự, liêm sỉ, nó thách thức dư luận xã hội và cản trở việc xây dựng Đảng về đạo đức.

Khi Đảng đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo và cầm quyền, nhất là trong điều kiện hiện nay khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, thì lợi ích vật chất, tiền và quyền, danh và lợi là những tác động rất mạnh vào mọi mối quan hệ, vào động cơ, ý nghĩ, hành vi và hoạt động của mỗi người.

Không có đạo đức trong sáng khó có thể vượt qua những sự bủa vây, cám dỗ của tiền và quyền. Thực tế đã cho thấy, mọi suy thoái, biến chất, thậm chí cả những tha hóa, từ tha hóa nhân cách đến tha hóa quyền lực dẫn tới làm ảnh hưởng bản chất của Đảng, làm suy giảm niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu, làm suy giảm niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Mới qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đã có 5 ủy viên Bộ Chính trị, hàng chục ủy viên Trung ương vi phạm những điều đảng viên không được làm... đều do bất liêm dẫn đến yếu kém, suy đồi về đạo đức mà ra.

Vững niềm tin, học tập và làm theo Bác Hồ 

Sau 79 năm sống trên đời, Người ra đi về cõi vĩnh hằng mà trên ngực không một tấm huân chương, nhưng Người để lại cho dân tộc cả một cơ đồ và một tấm gương về người cộng sản suốt đời giữ trọn chữ liêm, sống liêm khiết, trong sạch, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân.

Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Phẩm chất chung, cơ bản nhất của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam được Bác nêu ra: Trung với nước, hiếu với dân; tình thương yêu con người; cần, kiệm, liêm, chính; tinh thần quốc tế vô sản. 

Cuộc sống đang đòi hỏi phải làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đời sống đạo đức của xã hội. Hai mặt đó phải tiến hành song song, phải làm đến nơi đến chốn, phải giành được những hiệu quả thiết thực. Phải khắc phục các nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn tiêu cực; càng phải khắc phục nguyên nhân đã để cho các tệ nạn tiêu cực phát triển.

Tư tưởng đạo đức và cuộc đời liêm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho Đảng và nhân dân ta học tập, làm theo để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

Dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác, nụ cười ấm áp của Bác vẫn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

 

Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

 

Người luôn luôn gắn cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người là tấm gương đạo đức cao cả, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vô cùng khiêm tốn, giản dị.

 

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam".

 

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Trần Công Huyền 

Báo Lao động Xã hội số 60